Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ: Sự phục hồi của du lịch là một nhân tố quyết định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/1, Thường trực Thành uỷ làm việc với Sở Du lịch và ngành du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020; kết quả của ngành du lịch TP năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Cùng chủ trì hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.
Tìm giải pháp để phát triển du lịch 
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Riêng tại Hà Nội, năm 2020, khách quốc tế và nội địa sụt giảm mạnh khiến đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng chung của Hà Nội chỉ còn hơn 3% (năm 2019 là hơn 12%). 
Theo Bí thư Thành ủy, du lịch không phải là ngành dịch vụ mà là ngành tổng hợp, mang đậm bản sắc văn hóa, có tính liên ngành rất cao. Sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm nay, cùng với đó là giải quyết việc làm, thu ngân sách…
Thời gian tới, những khó khăn, thách thức dự báo vẫn còn. Với những kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra, ngành du lịch Hà Nội phải trả lời được các câu hỏi, phát triển DN du lịch như thế nào và sản phẩm du lịch của Hà Nội gồm những gì. Vì vậy, cuộc làm việc nhằm đưa ra những đánh giá sơ bộ, giải quyết những vướng mắc, đề xuất những gợi mở giải pháp cho năm 2021 và cả các vấn đề dài hạn về sau để phát triển du lịch Thủ đô.
Tổng thu từ khách du lịch chỉ bằng khoảng 30% 
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến, nguồn khách trong nước đi du lịch quốc tế và nguồn cầu du lịch trong nội địa. Kết quả đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động.
 Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang báo cáo tại cuộc làm việc.
Cụ thể, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách (giảm 70% với năm 2019). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách (giảm 84,4%); khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách (giảm 65%). Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 90% số DN lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động và có 950/3.587 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28,02 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với năm 2019 và tương đương giảm 75,79 nghìn tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó ngành Du lịch đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của dịch, kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa; các DN đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, năng lực quản trị; mức giảm doanh thu lữ hành 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 của Hà Nội là 46,8% (thấp hơn mức bình quân của cả nước giảm ở mức 58,6%). 
Trên cơ sở các dự báo và xem xét đánh giá, so sánh kết quả ngành Du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, thực tế diễn biến dịch Covid-19 trong những tháng qua, ngành du lịch xác định mục tiêu năm 2021 là tập trung nguồn lực vào thúc đẩy thị trường du lịch nội địa; theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 để chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép nhằm khôi phục hoạt động của ngành du lịch.
Ngoài ra, ngành du lịch xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021, với chỉ tiêu kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019 (tương ứng đạt từ 10,96 - 15,34 triệu lượt khách) và khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách. Trong đó, ngành du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất về thu hút khách du lịch nội địa cho năm 2021 với mức 15,34 triệu lượt khách (bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%.

Tổ chức sự kiện để thu hút du lịch

 Các ý kiến tại cuộc làm việc đều cho rằng, tài nguyên du lịch của Hà Nội rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng, nổi bật. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để khai thác hết tiềm năng, dư địa sẵn có và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của TP.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để phát triển du lịch, Hà Nội cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương để kết nối và phát triển các sản phẩm; tổ chức các sự kiện độc đáo, phát triển kinh tế đêm. Quan tâm hơn hỗ trợ DN kinh doanh lữ hành vượt qua khó khăn của Covid-19 và xây dựng các sản phẩm đặc thù của Hà Nội. Tiếp tục duy trì truyền thông để quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam ra nước ngoài. Đẩy mạnh chuyển đổi số để ứng dụng tốt hơn trong công tác quảng bá du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần có để khôi phục lại ngành du lịch sau hậu Covid-19.

 Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn thu hút du khách phải có sản phẩm phục vụ phù hợp nhu cầu, nhưng về tổng thể Hà Nội hút khách phải bằng sự kiện lớn (như Đà Nẵng tổ chức sự kiện pháo hoa hàng năm). Sự kiện là yếu tố hút khách trong du lịch, nhất là du lịch nội địa. Trong khi đó hiện nay Hà Nội chưa phát triển được du lịch hội nghị, hội thảo; còn thiếu cơ sở vật chất tổ chức các sự kiện tầm khu vực. 

Cho rằng Thủ đô có sự hấp dẫn với cả thế giới, có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện lớn, ông Vũ Thế Bình đề nghị, Hà Nội tập trung thu hút để tổ chức các sự kiện tầm thế giới. Ngoài ra, cần phát triển bằng được hàng hóa phục vụ du khách qua các trung tâm mua sắm lớn và nếu phát triển tốt doanh thu sẽ tăng cao. Để làm được thì cần sớm có đề án và phân công cụ thể đơn vị phụ trách. 

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Mỹ Nghệ cho biết, Hiệp hội đang triển khai một số sản phẩm du lịch Hà Nội tại Ba Vì, sản phẩm mùa thu Hà Nội. Quan điểm của Hiệp hội là cần có sự kiện thì du lịch mới phát triển. Vì vậy, dự kiến Hiệp hội sẽ đồng hành cùng Sở Du lịch tổ chức một số sự kiện trong thời gian tới nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Trong khi đó, nêu kiến nghị các giải pháp để du lịch Thủ đô phát triển, Phó Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, Hà Nội cần làm tốt 5 yếu tố (nhân sự, sản phẩm, giá cả, truyền thông, kênh bán). Trong đó, đối với yếu tố nhân sự cần nhấn mạnh về thái độ phục vụ và phải có bộ quy chuẩn với tất cả các nhà hàng; với yếu tố sản phẩm cần chia nhỏ để thu hút khách; về giá cả cần đưa ra được mức giá tốt với du khách; làm tốt việc tổ chức các kiot thông tin du lịch. Ngoài ra, xúc tiến du lịch với các tỉnh và cần đưa theo các DN có các sản phẩm du lịch để kết nối với các địa phương, điểm tham quan. Tính liên kết cao thì du lịch Hà Nội mới thành công.

 Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trịnh Quốc Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trịnh Quốc Hùng, nhu cầu du lịch hiện nay đã thay đổi theo hướng kinh phí rẻ, đi lại thuận lợi. Trong khi đó, Thủ đô còn rất nhiều tiền năng để khai thác, phát triển du lịch theo hướng “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” và có thể đáp ứng được nhu cầu này. Từ đó, Câu lạc bộ sẵn sàng cùng với Sở Du lịch hỗ trợ, tư vấn, khảo sát và góp vốn để ra ngay sản phẩm đón khách ngay. Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Flamingo Red Tour Nguyễn Công Hoan kiến nghị, phải nuôi dưỡng lực lượng và có cơ chế xây dựng DN lữ hành mạnh để có thể phối hợp với TP tạo nên sản phẩm đặc trưng, sắp xếp lại các nhóm sản phẩm du lịch. Ngoài ra, kích cầu trước khi giảm giá và làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút khách quay lại. 

Nghiên cứu xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đánh giá, trong giai đoạn 2016-2019, du lịch Hà Nội phát triển khá mạnh và có tính ổn định; lượng tăng bình quân du khách đạt 10,5%/năm; hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và năm 2019 được vinh danh là điểm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, du lịch Hà Nội bị thiệt hại nặng nề, mức suy giảm của Hà Nội lớn hơn bình quân cả nước.

 Quang cảnh cuộc làm việc

“Việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều và nếu không hành động quyết liệt, ngay, nhanh sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của TP từ 7,5-8% trong năm 2021. Qua đại dịch mới bộc lộ ra các yếu điểm của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, DN và nhất là sản phẩm du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy, nguyên nhân chủ quan là hạn chế trong tổ chức quán triệt Nghị quyết 06 của Thành ủy về tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành; hạ tầng, quy hoạch du lịch còn dở dang; DN du lịch đa số nhỏ và siêu nhỏ; sản phẩm du lịch thiếu đẳng cấp, thiếu sự khác biệt, thiếu sự thích hợp với các đối tượng và chưa có tính cạnh tranh. Vì vậy, việc phát triển du lịch Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới đặt ra thách thức to lớn và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của TP năm 2021. 

Cho rằng đây là thử thách rất lớn với ngành du lịch và TP, Bí thư Thành ủy đề nghị, Sở Du lịch lập ngay kế hoạch, trình UBND TP để phục hồi và phát triển du lịch năm 2021 theo tinh thần tập trung mọi nỗ lực thu hút khách nội địa, bao gồm tổ chức cho khách Hà Nội đi tham quan ở các nơi khác. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khác khi thị trường du lịch mở cửa lại phải đáp ứng được yêu cầu du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động, thiết chế văn hóa liên quan đến du lịch; có chính sách về thuế, phí, rà soát mức phí và giá phù hợp; muốn dịch vụ cao hơn thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, chu đáo, chất lượng hơn.

Trước mắt, Bí thư Thành ủy đề nghị, năm 2021, Sở Du lịch tập trung có chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, có gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo mang tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA GAMES 31; tổ chức các festival, lựa chọn đại sứ du lịch cho Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực tại Hà Nội. 

Ngoài ra, đẩy mạnh du lịch học đường. Trong đó, tập trung loại hình du lịch này phù hợp với định hướng nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, làng văn hóa, các tour tìm hiểu về Thăng Long Tứ trấn; tổ chức du lịch đường sông với các điểm đến kết hợp di tích lịch sử văn hóa, làng nghề; du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; nghiên cứu tổ chức con đường du lịch xuyên TP kết nối các điểm du lịch...