Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành uỷ:Phải tìm ra một hướng đi lâu dài, bền vững cho Gia Lâm

Hoàng Quyết - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 24/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng - UVBCT, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP chủ trì đã có buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Cùng chủ trì có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong. Tham dự buổi làm việc có các Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Trưởng ban Tuyên giáo Thành  ủy Nguyễn Doãn Toản. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng và các đồng chí trong Thường trực Thành uỷ chủ trì cuộc làm việc
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng và các đồng chí trong Thường trực Thành uỷ chủ trì cuộc làm việc

Kinh tế, chính trị phát triển ổn định

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, Gia Lâm là huyện nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông, phát triển kinh tế quan trọng kết nối giữa các tỉnh phía Đông và Thủ đô. Bên cạnh đó, Gia Lâm còn có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử với hơn 300 di tích, 100 lễ hội trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Đảng bộ huyện Gia Lâm hiện có 46 Chi, Đảng bộ trực thuộc với gần 11.400 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự phối hợp và tạo điều kiện của các sở, ban, ngành của TP, trong thời gian qua, Huyện ủy Gia Lâm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả khá nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 2022, Huyện Gia Lâm hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch TP giao, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý năm 2022 tăng 10,52%; riêng quý I/2023 ước tăng 10,83% so với cùng kỳ. Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Huyện đã tập trung xây dựng các vùng du lịch trọng điểm, phát triển điểm du lịch; bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch, đến nay huyện đã có 3 điểm du lịch TP được công nhận là Bát Tràng, Phù Đổngvà Dương Xá.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà báo cáo kết quả công tác của huyện
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà báo cáo kết quả công tác của huyện

Trên địa bàn có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Huyện đã có 119 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao 15 xã, trong đó có 3 xã NTM kiểu mẫu. Năm 2022, thu NSNN trên địa bàn huyện đạt 4.542 tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán giao, tăng 60,4% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách huyện năm 2022 đạt 2.622 tỷ đồng, bằng 105,6% dự toán TP phố giao. Hiện nay, huyện Gia Lâm đã tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư XDCB, GPMB và tài nguyên, môi trường được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh. Đến nay, huyện đã thực hiện 333 dự án, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 223 dự án. Văn hóa, xã hội duy trì và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Toàn huyện có 79/83 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 94,0%. Hiện tại, huyện không có hộ nghèo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo sát sao. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ, triển khai thực hiện phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC theo quyết định của TP. Chỉ đạo rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cải cách TTHC; triển khai các mô hình ứng dụng mã QR để tra cứu; mô hình “ngày Thứ Ba không viết, không giấy hẹn”. 100% hồ sơ TTHC được giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn. Chỉ số CCHC công huyện Gia Lâm đứng thứ 14 của TP... Hoạt động của HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, đến hết năm 2022, Gia Lâm đã có 28/31 tiêu chí đạt, còn 3 tiêu chí chưa đạt. Đối với điều kiện thành lập phường, huyện đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh còn 16 đơn vị hành chính. Các phường dự kiến thành lập đến nay đã đạt 2/3 tiêu chí bắt buộc; đồng thời, đã đáp ứng nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Hiện nay, huyện đã hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn lập Đề án thành lập quận và các phường trực thuộc, phấn đấu hoàn thành, báo cáo UBND TP trong quý II/2023.   

Song, cùng với báo cáo kết quả công tác, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cũng nêu 21 kiến nghị đối với các sở, ban, ngành TP về lĩnh vực xây dựng Đảng và kinh tế - xã hội, 5 kiến nghị về nhiệm vụ thành lập quận. Đáng chú ý, với dự kiến giảm 6 đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, huyện kiến nghị giữ nguyên cả cán bộ dôi dư để từng bước sắp xếp giảm dần theo quy định và lộ trình trong nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm sự ổn định. Huyện cũng kiến nghị các Sở Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư… phối hợp, hướng dẫn huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận, phường. 

Đối với 17 tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi ngân sách TP còn lại với tổng mức đầu tư hơn 3.668 tỷ đồng, huyện kiến nghị thành phố giao huyện chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập phương án đầu tư, báo cáo TP xem xét, chấp thuận theo hướng: Giai đoạn 2023-2025, thực hiện chuẩn bị đầu tư từ nguồn ngân sách huyện; giai đoạn 2026-2030, triển khai thi công từ nguồn ngân sách TP (khoảng 70%) và ngân sách huyện (khoảng 30%). 

Chủ động, sáng tạo để có bước đi vững chắc

Tại buổi làm việc, đã có 15 ý kiến của các sở, ngành của TP trao đổi, giải đáp xung quanh các đề xuất, kiến nghị của huyện Gia Lâm. Các ý kiến nêu rõ, theo kế hoạch của UBND TP, cùng với huyện Đông Anh, trong năm nay, đề án lên quận phải được thông qua HĐND TP để chậm nhất là trong tháng 6/2024 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2024. Cơ bản nhất trí với các đề xuất của huyện, song các ý kiến cũng nhìn nhận, để phát triển thực chất, huyện Gia Lâm phải đề cao vai trò tự chủ, tập trung kiến nghị về cơ chế; đi sâu phát triển nội lực, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư các dự án lớn. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đưa ra những gợi ý cho huyện Gia Lâm
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đưa ra những gợi ý cho huyện Gia Lâm

Trăn trở với những bài toán sau khi huyện trở thành quận ở các đơn vị đi trước, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, rút kinh nghiệm từ một số huyện lên quận, Gia Lâm phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ, vừa rà soát, sàng lọc, vừa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Đây là vấn đề huyện phải chủ động và phải làm ngay. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, để phát huy lợi thế, tiềm năng, huyện phải thực sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm. Vừa qua, TP đã tạo điều kiện bố trí đầu tư nâng cấp, xây dựng mới bệnh viện, nhưng khâu chuẩn bị đầu tư thuộc trách nhiệm của huyện chưa nhanh.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong thời gian qua. 

Theo Bí thư Thành ủy, huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt... Huyện còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú; làng nghề đặc sắc; có các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Đây là lợi thế, có tiềm năng phát triển rất lớn. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển lên quận. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm gì để đưa Gia Lâm thành quận mà không như các huyện từng lên quận trước đây, cao ốc mọc lên nhiều, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn rất thấp. 

“Huyện Gia Lâm cần lên quận nhưng không vội. Quan trọng là phải tìm ra một hướng đi lâu dài, bền vững cho Gia Lâm. Điều mà lãnh đạo thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Lên quận nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, sau cuộc làm việc này, Ban Thường vụ Huyện ủy cần họp bàn để tiếp thu các ý kiến trao đổi, định hướng, chỉ đạo của Thành phố, nhất là nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thực, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm; định vị lại con đường phát triển, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài; đồng thời, rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét từng vấn đề, vấn đề nào nằm trong khả năng có thể chủ động giải quyết được phải hành động. 

Cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở; thực hiện tốt chủ đề của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; chủ động định hướng công việc cho chính quyền; giao việc, nhưng không phó mặc, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả, có sản phẩm. Chú trọng công tác xây dựng, chỉ đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là phù hợp với yêu cầu lên quận. 

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Bí thư Thành ủy cho rằng, về định hướng lên quận, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn cần xác định rõ là lên quận phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài; phải “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”. Trong đó, huyện phải tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc gắn với hai trong bốn “Tứ bất tử” là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử...

Bí thư Thành ủy giao cho Văn phòng Thành ủy, Ban Cán sự UBND TP, Đảng đoàn HĐND TP và Huyện ủy Gia Lâm phối hợp trao đổi thống nhất phương án xử lý các kiến nghị, có phân công nhiệm vụ, giao tiến độ rõ ràng để đưa vào kết luận buổi làm việc; làm căn cứ để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. 

Thay mặt lãnh đạo huyện Gia Lâm, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Hà đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định sẽ đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới.