Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biden tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng của Nga

Ngân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ dự kiến ​​sẽ thực hiện hành động này một cách đơn phương, không có các đồng minh châu Âu, do bất đồng giữa các quốc gia châu Âu về việc có nên cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba tuyên bố chính quyền của ông quyết định cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than của Nga sang Mỹ để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, một bước đi mà ông cảnh báo có thể dẫn đến việc giá khí đốt trong nước tăng vọt.

"Hôm nay, tôi tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga," Biden cho biết trong phát biểu từ Nhà Trắng.

"Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào cỗ máy chiến tranh của Putin."

Một người bơm xăng tại trạm xăng Conoco, thương hiệu thuộc sở hữu của Phillips 66, ở Brooklyn, New York, ngày 11 tháng 11 năm 2021. Ảnh: Reuters
Một người bơm xăng tại trạm xăng Conoco, thương hiệu thuộc sở hữu của Phillips 66, ở Brooklyn, New York, ngày 11 tháng 11 năm 2021. Ảnh: Reuters

Các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu khí của Nga từng được coi là không có cơ sở khi các quan chức Mỹ và châu Âu lo ngại về sự gia tăng đột biến giá trên toàn cầu. Nhưng áp lực ngày càng tăng đối với Tổng thống Biden để hành động, bao gồm cả từ Tổng thống Ukraine và các nhà lập pháp Mỹ của cả hai bên.

Biden thừa nhận rằng bước đi này có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho người Mỹ, và là vấn đề chính trị tiềm ẩn dẫn đến các chỉ trích từ đảng Cộng hòa.

Mỹ dự kiến ​​sẽ thực hiện hành động này một cách đơn phương, không có các đồng minh châu Âu, do bất đồng giữa các quốc gia châu Âu về việc có nên cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không.

Các nước EU sử dụng năng lượng của Nga nhiều hơn so với Mỹ. Không lâu trước tuyên bố của Biden, Vương quốc Anh thông báo rằng họ có kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.

Các quan chức Mỹ đã quyết định, với áp lực chính trị cực độ, họ có thể tiến hành mà không có sự tham gia đầu đủ của Liên minh và sẽ không tạo ra các vấn đề lớn, theo Bloomberg.

Biden nhấn mạnh rằng quyết định của ông có thể sẽ gây thiệt hại cho người Mỹ khi chi phí xăng tăng.

"Quyết định ngày hôm nay không phải là không trả giá," Biden nói. "Cuộc chiến này đã gây thiệt hại cho các gia đình Mỹ. Kể từ khi Putin bắt đầu xây dựng quân đội ở biên giới Ukraine, giá khí đốt tại trạm bơm ở Mỹ đã tăng 75 xu. Giá xăng sẽ tăng xa hơn nữa. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu việc tăng giá này."

Tổng thống cũng cảnh báo các công ty chống lại việc lợi dung tăng giá trong thời kỳ khủng hoảng này.

"Chúng tôi hiểu cuộc chiến đang khiến giá cả tăng lên. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng không có lý do gì để tăng giá quá mức, hoặc độn lợi nhuận, hoặc bất kỳ hình thức nào để lợi dụng tình trạng này cũng như lợi dụng sự tiêu dùng của người Mỹ. Cuộc chiến này đang khiến chúng ta phải trả giá.”

Nhập khẩu của Mỹ từ Nga chiếm một phần nhỏ trong danh mục năng lượng của Mỹ - khoảng 8% vào năm 2021, trong đó chỉ khoảng 3% là dầu thô.

Các quan chức kinh tế của Nhà Trắng đã làm việc trong hơn một tuần để tìm cách quản lý bất kỳ quyết định cắt giảm hàng nhập khẩu nào. Bộ Năng lượng báo cáo rằng trong hai tuần cuối tháng Hai, nhập khẩu dầu của Nga giảm xuống 0 do các công ty Mỹ cắt đứt quan hệ với Nga, thực hiện hiệu quả lệnh cấm của chính phủ.

Sau tuyên bố của Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết trong một bức thư gửi các đồng nghiệp rằng Hạ viện sẽ bỏ phiếu hôm thứ Ba về dự luật cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga.

Pelosi cho biết dự luật sẽ thực hiện các bước để xem xét khả năng tiếp cận của Nga với Tổ chức Thương mại Thế giới "và tìm cách làm giảm sự phụ thuộc vào Nga hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu," đồng thời "ủy quyền lại và củng cố Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu để Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga."

"Hôm nay, Tổng thống Biden một lần nữa thể hiện sức mạnh và quyết tâm của Mỹ trong việc buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến vô cớ chống lại Ukraine," Pelosi viết trong bức thư. "Quốc hội khen ngợi Tổng thống đã thông báo hành động ngừng nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ - điều mà chúng tôi sẽ ủng hộ bằng cách thông qua đạo luật lưỡng đảng mạnh mẽ có hiệu lực ngày hôm nay."

"Thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga"

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp dụng đối với Nga cho đến nay không bao gồm dừng xuất khẩu dầu.

Các quan chức chính quyền Biden cũng đã đến Venezuela vào cuối tuần để tổ chức các cuộc thảo luận về khả năng cho phép Venezuela bán dầu của mình trên thị trường quốc tế, điều này sẽ giúp thay thế nhiên liệu của Nga.

Tổng thống Biden cũng có thể tới Ả Rập Xê-út khi Mỹ nỗ lực thuyết phục vương quốc này tăng sản lượng khai thác. Các cuộc đàm phán nhấn mạnh cuộc xung đột đã làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế như thế nào và buộc Mỹ và các quốc gia khác phải tìm kiếm giải pháp ở những nơi mà họ thường xa lánh.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá khí đốt ở Mỹ tăng chóng mặt, trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm ảnh hưởng thị trường dầu mỏ toàn cầu.