Ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu cổ phiếu là 4/11 và ngày 21/11, đơn vị này sẽ chính thức trả cổ tức cho các cổ đông.
Như vậy, BIDV đã quyết định chuyển đổi sang phương án trả bằng tiền mặt sau khi việc trả bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ vấp phải sự phản ứng từ Bộ Tài chính.
Trước đó, sau khi Đại hội cổ đông thường niên của BIDV đã thông qua việc trả bằng cổ phiếu, Bộ Tài chính không đồng ý và đã gửi công văn cho Ngân hàng Nhà nước, thậm chí báo cáo Thủ tướng để yêu cầu BIDV cũng như VietinBank phải trả bằng tiền mặt để nộp về ngân sách Nhà nước.
Hiện đại diện vốn là Ngân hàng Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28% tại BIDV. Theo ước tính của Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng tiền cổ tức từ ngân hàng này.
Tại Đại hội cổ đông bất thường, Đại hội đã xem xét và thống nhất thông qua Tờ trình sửa đổi nội dung Điều lệ BIDV và Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị. Điểm sửa đổi căn bản nhất được Đại hội thông qua là: Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV. Theo đó, một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh này cũng đã được sửa đổi phù hợp.
Theo báo cáo của BIDV, tính đến 30/09/2016, tổng tài sản BIDV đạt 956.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 887.000 tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 754.000 tỷ đồng, tăng 14,22% so với đầu năm. Cơ cấu huy động vốn chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng nền vốn ổn định từ khách hàng dân cư. Huy động vốn dân cư đạt trên 427.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, chiếm 57% tổng huy động vốn.
Hiệu quả kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 71% kế hoạch năm; trong đó, thu dịch vụ ròng đạt 2.685 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trích lập dự phòng rủi ro đủ theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu 1,72%.
Lãnh đạo BIDV cho biết, tín dụng gia tăng ngay từ đầu năm và bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước giao năm 2016, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Đến hết 30/09, tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 912.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 698.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với đầu năm. Thị phần tín dụng đạt 13,6%, tăng 0,4% so với năm trước.
BIDV khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 phê duyệt: tăng trưởng tín dụng bám sát theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước giao khoảng 18%, huy động vốn tăng trưởng 19%, lợi nhuận trước thuế đạt 7.900 tỷ đồng.