Bởi bên cạnh phở, bún chả, bún thang, ẩm thực Hà thành còn nức tiếng với nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn.
Ẩm thực chứa đựng tầng văn hóa
Các chuyên gia ẩm thực đánh giá, món ăn Việt Nam nói chung, món ăn Hà Nội nói riêng gói gọn trong hai chữ "ngon và lành". Sở dĩ nói vậy bởi ẩm thực của Mỹ, Anh, Pháp chứa quá nhiều đường, bơ, sữa; món ăn Trung Quốc nhiều dầu mỡ; đồ ăn Thái Lan cay và nóng. Còn món ăn của người Việt Nam mang đặc trưng vùng miền, cân bằng về dinh dưỡng, âm dương, phù hợp với thị hiếu của du khách. Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết (25 phố Mã Mây) chia sẻ: Nói đến món ăn Hà Nội là đề cập tới những con người kỹ tính đến mức khó tính, cầu toàn. Món ăn của người Hà Nội thường tuân theo thời tiết (mùa nào thức ấy) và còn được thưởng thức bằng mọi giác quan. Và khi món ăn được bày trên chiếc bàn gỗ đen tuyền, trong không gian ngôi nhà truyền thống Hà Nội là điểm nhấn giúp du khách thưởng thức một lần mà nhớ mãi.
Khách nước ngoài ăn phở Hà Nội.
|
Nhiều năm qua, ẩm thực Hà Nội đã được không ít đơn vị làm du lịch đưa vào chương trình tour, tuyến như: Nem, phở gà, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì… Món phở đã được các ấn phẩm du lịch nổi tiếng trên thế giới giới thiệu tới du khách bằng tên nguyên văn, không dịch sang tiếng Anh, cho thấy sự công nhận của người nước ngoài đối với món ăn Hà Nội rất đặc biệt. Tuy nhiên, việc khai thác và kết hợp ẩm thực với du lịch vẫn còn thiếu bài bản nên chưa hiệu quả. Thế nên, khi 3 món ăn Hà thành được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh, nhiều công ty lữ hành tại Thủ đô cho biết sẽ coi đây là điểm nhấn trong chiến lược quảng bá của họ.
Chữ “tín” làm đầu
Biến ẩm thực thành sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thủ đô là một ý tưởng hay và hợp lý. Song như nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết phân tích, để các món ăn trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách không đơn giản. Bởi mỗi nhà hàng, mỗi người có tư duy và công thức khác nhau, có người mở nhà hàng vì cuộc sống nên chưa đạt đến đỉnh cao. Với kinh nghiệm của mình, bà Tuyết cho rằng, người chủ nhà hàng phải biết cách nấu ăn đạt đến độ tinh túy, có tâm và chăm chút cho khách thật sự. Đặc biệt, trong gian phòng bày món ăn phải bài trí tạo được ra nét văn hóa của người Hà Nội để du khách cảm nhận được cái hồn văn hóa.
Thực tế, để những món ăn "vỉa hè" của Hà Nội hấp dẫn khách du lịch, nhiều chủ quán đã "nâng tầm" bằng việc đưa vào không gian nhà hàng sang trọng. Bếp trưởng Hà Hải Đoàn - Giám đốc Nhà hàng Cơm G89 (phố Trần Hưng Đạo) chia sẻ: "Chúng tôi minh bạch về giá bán và hình ảnh từng xuất ăn trong thực đơn; luôn mang cái tâm của người làm nghề thể hiện ở việc chế biến món ăn tươi, sạch và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho thực khách". Không phủ nhận Hà Nội vẫn còn tình trạng "chặt chém" du khách, kể cả với 3 món ăn đã được nhận kỷ lục ẩm thực châu Á là phở, bún chả và bún thang. Song ông Vũ Chính Đông - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng: "Đó chỉ là hiện tượng!".
Ủng hộ và đề cao ý tưởng xây dựng ẩm thực Hà Nội thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, ông Đông đề xuất: "Khách sạn đã được phân loại, giờ cần xếp loại và cấp chứng chỉ cho những nhà hàng đủ tiêu chuẩn tiếp đón khách du lịch. Những nhà hàng này phải đảm bảo các quy trình phục vụ, nếu không sẽ bị thu chứng chỉ và công khai cho mọi người biết". Việc này sẽ góp phần xây dựng chữ “Tâm" và chữ "Tín" của nhà hàng - điều không thể thiếu khi ẩm thực Hà Nội là sản phẩm mũi nhọn của du lịch.