Biến chứng nguy hiểm của bệnh cảm cúm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em luôn là đối tượng nhạy cảm và dễ chịu ảnh hưởng nhất bởi thời tiết vì hệ miễn dịch còn non yếu.

Đặc biệt, trong thời tiết giao mùa, lúc nắng lúc mưa, sáng và đêm lạnh, trẻ rất dễ mắc bệnh cảm cúm. Nếu bị biến chứng, sẽ đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

Lây lan nhanh chóng

Bệnh cảm cúm thông thường do nhiễm virus đường hô hấp trên, mũi và cổ họng gây ra (có rất nhiều chủng khác nhau, hơn 200 loại virus có thể gây ra cảm cúm thông thường). Đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có sức miễn dịch kém cũng dễ bị cảm cúm. Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa Thu đến cuối mùa Xuân. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm. Bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm. Virus cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi. Các virus có thể lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc qua tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại.
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hoàng Trâm
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hoàng Trâm
Nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn, bệnh cảm cúm cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm, trong đó, hô hấp là biến chứng chủ yếu và nặng nhất. Viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính. Khi bị viêm phổi, nếu không điều trị kịp thời, đúng phác đồ dễ dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong nhanh chóng. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cúm hay gây biến chứng phổi hoặc sảy thai, nếu mắc trong ba tháng đầu có thể gặp bệnh lý thai, nhất là về hệ thần kinh trung ương.

Không tự điều trị bằng kháng sinh
Khi trẻ có triệu chứng cảm cúm, nếu nhẹ thì theo dõi tại nhà, vệ sinh mũi, họng, dùng thuốc cảm cúm. Khi trẻ có biểu hiện bệnh nặng hơn, nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và kê đơn thuốc.

Khi bị cảm cúm rất nhiều người thường tự ý mua các loại thuốc kháng sinh về uống mà không đến cơ sở y tế khám. Điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virus. Việc tự điều trị cảm cúm bằng kháng sinh không giúp bệnh thuyên giảm, ngược lại còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi trẻ bị cảm cúm, phu huynh cần theo dõi sát sao, nếu thấy nước mũi của trẻ có màu vàng thì chứng tỏ trẻ đã bị nhiễm trùng. Nên đưa trẻ đi khám để dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Để phòng bệnhh sổ mũi, cảm cúm cho trẻ dịp giao mùa, phụ huynh cần cho trẻ mặc quần, áo hợp lý, ban ngày không ủ quá ấm, trẻ ra mồ hôi dễ bị ngấm ngược vào cơ thể. Ban đêm không để điều hòa quá lạnh, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Bên cạnh đó, vệ sinh mũi, họng hàng ngày, thường xuyên rửa sạch chân, tay cho trẻ. Hàng ngày nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng, nhất là các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý.

Về chế độ dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng. Nguyên tắc dinh dưỡng đầu tiên là cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng, nên chọn cách chế biến sao cho thật dễ hấp thu, vì hệ tiêu hóa của trẻ khi bị bệnh thường yếu, khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa nên không hấp thụ được. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, cháo, súp...), đặc biệt là nước ấm.