Biến củ cải ế thừa thành mũi nhọn xuất khẩu

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự hợp tác 3 bên (giữa Công ty CP Lavifood, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Công ty Ilmi Farming & Fisheries Hàn Quốc), trong tương lai, củ cải sẽ không phải “giải cứu” như thời gian vừa qua. Mà là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt.

Ta “chê” - Tây “kết”!

Trao đổi với PV, ông Đinh Hùng Dũng - Tổng Giám đốc của Lavifood cho biết: Củ cải là một trong những món ăn không thể thiếu của nhiều nước châu Á, đặc biệt, củ cải gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Hàn Quốc và Nhật Bản...

Do nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu của người dân, hai quốc gia này đang phải nhập khẩu củ cải tươi và các sản phẩm được chế biến từ củ cải từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia tiềm năng để xuất khẩu củ cải. Đây cũng chính là chiến lược, tầm nhìn dài hạn của Lavifood về việc giải quyết bài toán đầu ra cho củ cải Việt Nam. "Tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, chi phí sản xuất nông nghiệp rất cao, các nhà máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước", ông Dũng nói.

Tại Hàn Quốc, người dân sử dụng củ cải như một món ăn chính hàng ngày. Người Hàn Quốc không chỉ ăn củ cải, họ còn ăn cả lá củ cải phơi khô. Người dân chỉ bỏ đi lá già, những lá non sẽ đem đi phơi khô, sau đó họ sử dụng như một loại rau…

Tận thu và tận dụng

Nói về việc thu mua, chế biến củ cải, ông Dũng cho biết: Để xuất khẩu củ cải sang Hàn Quốc, Lavifood đã đầu tư 1.500 tỷ đồng vào nhà máy tại Tây Ninh để thu mua, chế biến củ cải tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Chưa dừng lại tại đó, Lavifood sẽ tiếp tục đầu tư 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp VSIP Hải Dương để thu mua củ cải và chế biến nông sản tại các tỉnh trong khu vực miền Bắc.

Nhà máy Lavifood cũng sẽ phát triển hết tiềm năng của củ cải, trong đó, những củ cải có đường kính to sẽ thái mỏng rồi ngâm nước cho bớt mùi, rồi mang ra bỏ đồ vào trong để cuốn thay cho lá xà-lách.
 
"Đối với loại có đường kính nhỏ hơn, Lavifood sẽ cắt sợi mỏng có thể muối chua hoặc để ăn sống như dưa leo. Phần lá của củ cải cũng được phơi khô sau đó xuất khẩu. Như vậy, chúng tôi sẽ phát triển hết tiềm năng của cây củ cải, không bỏ thừa bất kỳ thứ gì", ông Dũng nói.

Nông dân sẽ hết lo!

Đánh giá về tiềm năng của cây củ cải ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ông Dũng cho rằng: Đất đai vùng lưu vực sông Hồng rất màu mỡ, phù hợp để trồng củ cải xuất khẩu. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa phát triển được hết tiềm năng của củ cải. Chính vì vậy, ngoài việc thu mua củ cải, chúng tôi sẽ định hướng và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân để phát triển cây củ cải đạt năng xuất tốt nhất.

“Nếu đúng quy luật, thị trường củ cải sang năm sẽ bị thiếu hụt một lượng rất lớn. Người nông dân sẽ giảm bớt sản lượng củ cải, thay vào đó là những loại rau màu khác để đảm bảo kinh tế. Từ đó dẫn tới việc thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất”, ông Dũng cho biết. Vẫn theo ông Dũng, nhu cầu thu mua củ cải của các DN trong thời gian tới sẽ tăng. Ông Dũng tự tin, sang năm 2019, nhà máy Lavifood tại Hải Dương sẽ đi vào hoạt động, tất cả củ cải của người Việt sẽ được DN thu mua hết.

“Cái khó khăn nhất bây giờ đó chính là vấn đề thời gian, chúng tôi rất mong muốn nhà máy đi vào sản xuất càng nhanh càng tốt để bà con nông dân đỡ khổ, không phải bị phụ thuộc vào HTX hay thương lái Trung Quốc. Chúng tôi cũng cam kết, sẽ thu mua nông sản ở ngưỡng giá cao, ổn định từ đó giải quyết triệt để tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá, trả giá thấp”, ông Dũng khẳng định.

Được biết, bên cạnh việc thu mua nông sản cho bà con nông dân, Lavifood cam kết sẽ hỗ trợ chi phí để sản xuất. Tại các tỉnh miền Nam, Lavifood đã hỗ trợ chi phí bằng việc trả trước một khoản tiền đăng ký, để người dân có thể mua phân bón, giống... Còn tại miền Bắc chắc chắn sẽ được áp dụng nhưng vẫn phải có lộ trình cụ thể.

Ngoài ra, Lavifood cùng đối tác và Ilmi Farming & Fisheries (Hàn Quốc) cam kết sẽ thu mua củ cải của nông dân với giá cao. Tránh tình trạng ép giá của các thương lái. “Chúng tôi sẽ ký hợp đồng 1 - 2 năm với người nông dân. Sau 2 năm đó, nếu giá vật tư sản xuất tăng, chúng tôi sẵn sàng tăng chi phi thu mua để đỡ gánh nặng cho nông dân”, ông Dũng bật mí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần