Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến dạng Di tích cấp quốc gia chùa Bà Nành

Phạm Quý – Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Bà Nành (tên gọi khác là Tiên Phúc Tự) tọa lạc tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, gắn liền với quần thế di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2017, cổng chính số 27 đường Văn Miếu bị đóng lại, nhường chỗ cho 2 cổng mới xây khang trang, rộng rãi. Tình trạng thương mại hóa di tích cũng đang ngang nhiên diễn ra.

“Chùa thời mở cửa”
Trên trang mạng cá nhân, họa sĩ Nguyễn Đức Bình bức xúc: “Chùa Bà Nành thời mở cửa. 1 cổng thì ít khách, sẽ ít tiền công đức, chẳng cần hộ pháp nữa cho chật, nhà chùa phá đi làm hẳn 2 cổng, xây cao vút lên cho dễ nhận diện thương hiệu, lại chéo chéo ra ngã ba đường”.
Theo ghi nhận của phóng viên, chùa Bà Nành trước kia có 2 cổng, 1 mặt quay ra đường Văn Miếu và 1 mặt quay ra đường Nguyễn Khuyến. Nhưng hiện nay, cổng mặt đường Văn Miếu đã bị đóng lại, nhường chỗ cho 2 cổng mới xây dựng bên mặt đường số 152 Nguyễn Khuyến khá khang trang, chiếm trọn một góc vỉa hè đoạn giao nhau giữa đường Văn Miếu và Nguyễn Khuyến.
 Cổng cũ của chùa Bà Nành ở phía mặt đường Nguyễn Khuyến. Ảnh: Phạm Quý
Sáng 20/3, người dân phố Văn Miếu chia sẻ, 2 cổng chùa bắt đầu được xây mới từ cuối năm 2017 cho tới nay mới hoàn thành. Hai cổng này được nắn chỉnh cơi rộng chiếm dụng vỉa hè phố Nguyễn Khuyến khoảng 1,4 – 2m. Người dân ở đây cũng cho biết, trước đây khi sư trụ trì Thích Đàm Tuyết trông giữ chùa.
Từ cuối năm 2017, sư trụ trì qua đời, người khác lên thay đã tự ý cho xây mới cổng chùa. Một số người dân bán hàng xung quanh chùa đánh giá “xây cổng là để chỗ cho ô tô ra vào”. Thực tế cho thấy, cổng chùa mới được xây rộng và cao hơn, phá bỏ hoàn toàn kiến trúc cổng cũ, không còn 2 ông thiện – ác canh cổng chùa như kiến trúc truyền thống của chùa Việt.

Điều đặc biệt, việc xây dựng diễn ra trong nhiều ngày tháng, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn. Trước sự việc trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên lạc với ông Phan Hồng Việt – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, ông Việt thừa nhận cổng chùa mới ở chùa Bà Nành được xây mới từ cuối năm ngoái, phường và quận đã báo cáo với Sở VH&TT Hà Nội, có hồ sơ đầy đủ. Nhưng trước câu hỏi việc xây dựng có đúng với hồ sơ cho phép không thì ông Việt cho biết sẽ kiểm tra lại vì hồ sơ do phường Văn Miếu nắm giữ. Nhưng ông Việt cũng khẳng định “chắc chắn cổng chùa mới xây dựng không đúng quy định”.
Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, Sở chỉ được báo cáo khi “sự đã rồi”, cổng chùa mới đã được xây lên. Sở cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục vi phạm, yêu cầu mọi công tác tu bổ phải đảm bảo đúng quy định của Luật di sản.
 Chùa Bà Nành sau khi xây mới từ 1 cổng thành 2 cổng, xóa bổ kết cấu cổng chùa Việt, xe ô tô đỗ ngang nhiên trước cổng.
Thương mại hóa di tích

Thực tế, trước đó năm 2015, chùa Bà Nành từng kêu cứu khi bị các hộ dân xung quanh xâm lấn. Quán ăn, bãi trông giữ xe bủa vây, làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm nơi cửa Phật. Theo hồ sơ đo đạc, chùa có diện tích 700m2, nhưng năm đó chùa có đến 10 hộ dân sinh sống trong phần diện tích này. Các hộ dân đã hợp thức hóa đất đai bằng việc cấp sổ đỏ, vụ việc lấn chiếm chùa qua nhiều năm cũng chưa được giải quyết triệt để.

Hiện nay, trên phần diện tích còn lại, ngoài việc xây dựng cổng chùa mới, tình trạng thương mại hóa từ di tích cũng diễn ra ngang nhiên. Theo phản ánh của người dân, nhiều người lạ được phép trông xe thu phí ngay tại vỉa hè trước cổng chùa.
Du khách đến lễ chùa bị thu tiền gửi xe với giá 10.000 đồng/lượt. Gian Tam bảo ngày xưa đi từ cổng đường Văn Miếu nằm sâu bên trong, giờ hai cổng mới mở ra nên Tam bảo nằm ngay trước cửa ra vào. Hơn nữa, không gian ở đây cũng không còn là của chùa, trong chùa mọi sinh hoạt ăn uống, xe cộ tấp nập, nên dần dần du khách cũng ngại đến vãn cảnh, lễ bái. Chùa Bà Nành – di sản cấp quốc gia cũng vì thế mà “biến dạng”.