Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn của múa rối nước

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm chuẩn bị kĩ lưỡng, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã hoàn thành vở “Công chúa tóc mây” để tham dự Liên hoan múa rối quốc tế năm 2018 và phục vụ người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Sáng 2/10, tại Nhà hát Múa rối Thăng Long đã diễn ra buổi tổng duyệt chương trình tham gia Liên hoan múa rối quốc tế 2018. Tại buổi tổng duyệt, các chuyên gia nghệ thuật, nghệ sĩ cùng đông đảo khán giả đã được xem vở diễn “Công chúa tóc mây” do Nhà hát múa rối Thăng Long dàn dựng và thực hiện.
 
NSƯT Nguyễn Phương Nhi – Đạo diễn vở diễn “Công chúa tóc mây” cho biết: Với chủ đề biến đổi khí hậu, vở diễn “Công chúa tóc mây” được xây dựng với hai hình thức múa rối nước và múa rối cạn. Thông qua các nhân vật trong thế giới cổ tích như nàng tiên cá, công chúa, hoàng tử, phù thủy, các con vật gần gũi và quen thuộc như cún con, quạ, trăn… vở diễn chuyền tải thông điệp kêu gọi mọi người chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Diễn ra trong 45 phút, vở diễn “Công chúa tóc mây” đã chuyển tải thông điệp bảo về môi trường khéo léo thông qua việc sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhân vật rối nước và hiệu ứng thâm thanh, ánh sáng. Ở những phân đoạn mở đầu, người xem bị thu hút bởi những câu vè, cao dao được thể hiện dưới nền nhạc truyền thống, đem lại cảm giác gần gũi, quen thuộc với người xem. Ở những phân đoạn tiếp nối, hiệu ứng sân khấu với khói, âm thanh sấm chớp, hình ảnh nhân vật phù thủy biến đổi khôn lường tạo nên sự kịch tính, hấp dẫn người xem.
Bên cạnh các yếu tố trên, thông điệp về bảo vệ môi trường được Nhà hát Múa rối Thăng Long lồng ghép khéo léovào vở diễn qua lời thoại của các nhân vật phù thủy, quạ, rắn… Xung quanh câu chuyện của các nhân vật, vở diễn “Công chúa tóc mây” đã đề cập đến các vấn đề thời sự liên quan đến ô nhiễm môi trường, cháy rừng, biến đổi khí hậu.
NSƯT Nguyễn Phương Nhi cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi mang sân khâu trên cạn xuống dưới nước. Điều này đã giúp chúng tôi có thể tạo dựng được một số hiệu ứng mà rối cạn không làm được như: Đài phun nước, tảng băng trôi và bơi. Đặc biệt, chúng ta thấy rõ trong vở diễn có sự xuất hiện của nhiều nhân vật rối, xuất hiện với tần suất lớn, ít có sự xuất hiện của con người. Các yếu tố trên giúp hình ảnh các nhân vật rối đọng lại trong lòng người xem, đặc biệt là các em nhỏ”.
Được biết, Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ sử dụng vở diễn “Công chúa tóc mây” tham gia Liên hoan múa rối quốc tế 2018. Sau đó, vở diễn sẽ được giới thiệu, biểu diễn rộng rãi cho công chúng cả nước và khách quốc tế xem.