Biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nghiên cứu mới công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, cứ mỗi năm trì hoãn các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu (BĐKH), thế giới mất thêm 500 tỉ USD đầu tư cho năng lượng sạch vào năm 2030.

Những cảnh báo

 

Để giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2050, IEA cho rằng, thế giới cần đầu tư tới 316.000 tỉ USD, cao hơn 17% so với tổng đầu tư thông thường hiện nay. Tổng lượng khí thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch năm 2005 là 27,1 tỉ tấn, nhưng nếu chính sách hiện hành không được thay đổi mạnh mẽ, lượng khí thải này sẽ tăng tới 42 tỉ tấn vào năm 2030. Dự báo, lượng năng lượng được ngành vận tải sử dụng cũng như lượng khí thải CO2 có liên quan sẽ tăng 50% vào năm 2030 và 80% vào năm 2050 (hiện ngành vận tải chiếm 25% tổng năng lượng được sử dụng và lượng khí thải liên quan). Tiếp đến là khí thải do sản xuất điện chiếm 40% tổng lượng khí thải toàn cầu và sẽ tăng lên 58% vào năm 2030. Công nghiệp chiếm hơn 30% tổng năng lượng được sử dụng và 40% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

 

Năng lượng gió sẽ là nguồn năng lượng tái sinh giúp giảm khí thải tăng nhanh nhất thế giới với tốc độ đã tăng 24% hàng năm từ năm 1990 đến 2005. Theo IEA, nếu các nền kinh tế phát triển G8 sử dụng hiệu quả năng lượng, mỗi năm thế giới có thể giảm được 8,2 tỉ tấn CO2 từ nay đến năm 2030. Mạng năng lượng thông minh có thể giảm 0,9 - 2,2 tỉ tấn CO2 vào năm 2050. Nghiên cứu của IEA cảnh báo, nếu thế giới không có hành động quyết liệt, xu hướng này sẽ tiếp tục với lượng khí thải trong công nghiệp tăng với nhịp độ cao hơn.

 

Vào năm 2030, khoảng 10% phế thải nông nghiệp và lâm nghiệp toàn cầu có thể cung cấp 50% nhu cầu nhiên liệu sinh học. Kịch bản này cần được thúc đẩy trong khu vực năng lượng để góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

 

Và Chiến dịch 350.org

 

Là một trong số quốc gia được dự báo là chịu tác động của BĐKH toàn cầu, mới đây, Ban điều phối Chiến dịch toàn cầu về BĐKH 350.org tại Việt Nam đã chính thức tuyên bố phát động chiến dịch tại Việt Nam năm 2011.

 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Điều phối chiến dịch quốc gia  cho biết, với ý nghĩa mang tính toàn cầu, chiến dịch tại Việt Nam sẽ kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân cư tham gia sáng kiến và bằng những hành động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để cùng hướng tới mục tiêu chung về hạn chế những tác động của BĐKH trên toàn cầu.

 

Đây là chiến dịch chống BĐKH có qui mô lớn nhất toàn cầu. Được khởi xướng từ năm 2007, tính đến nay, chương trình đã thu hút 188 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Với tên gọi 350, chương trình muốn nhắc đến con số 350ppm (phần triệu) - mức an toàn tối đa cho nồng độ CO2 trong bầu khí quyển theo tính toán mới nhất của các nhà khoa học, mà loài người cần giảm xuống từ mức hiện tại là 393ppm, để tránh các hậu quả nghiêm trọng của tình trạng BĐKH đang diễn ra khắp nơi.

 

Ngày hành động toàn cầu năm nay sẽ là ngày 24/9 với chủ đề "Moving Planet - Hành tinh chuyển động", vừa có ý nghĩa tượng trưng cho việc hàng triệu người trên thế giới sẽ di chuyển bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp, vừa là lời kêu gọi các quốc gia tham gia giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hướng tới dùng năng lượng tái tạo, và có những hành động cấp thiết và thực tế góp phần vào cuộc chiến chống BĐKH.

 

Tại Việt Nam, chiến dịch năm nay được hưởng ứng trên cả nước với nhiều hoạt động như: tập huấn về BĐKH và giúp đỡ các vùng dân cư trực tiếp bị ảnh hưởng tại Khu du lịch sinh thái Cần Giờ; "Tháng hành động vì màu xanh học đường", xây dựng định hướng sống "xanh" và sử dụng năng lượng tái tạo cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, đối với từng hộ gia đình, sẽ tham gia sơn mái nhà màu trắng và trồng cây leo tường để giảm nhiệt độ trong nhà, tiết kiệm năng lượng; tham gia phong trào "Không ống hút" kêu gọi giảm thiểu sử dụng ống hút và các đồ nhựa dùng một lần có hại cho môi trường với sự kiện trọng điểm "Tuần lễ không ống hút" diễn ra tại các quán cà phê, trà sữa…