Theo hãng AP, bản dự thảo được đưa tới các lãnh đạo ASEAN để phê duyệt và công bố hôm thứ Năm (8/9) ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào. Theo đó, lãnh đạo các nước Đông Nam Á dường như sẽ tránh đề cập trực tiếp đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, theo bản dự thảo tuyên bố cuối cùng.
Hội nghị cấp cao các nước ASEAN sẽ diễn ra tại Lào hôm 6-7/9. |
Dự thảo tuyên bố ASEAN cũng nêu rõ, các nước tỏ ra lo ngại trước những diễn biến gần đây, ghi nhận những lo ngại của một số nhà lãnh đạo đối với tuyên bố chủ quyền và hành động leo thang các hoạt động trong khu vực. Cũng theo dự thảo, việc cải tạo và các hành vi khác "đã bị xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Hành động xây dựng trái phép 7 rạn san hô thành các đảo nhân tạo tại Biển Đông của Trung Quốc đã gây lo ngại cho dư luận thế giới. Giới chức Washington lo ngại rằng, các đảo nhân tạo này có thể được sử dụng như các tiền đồn quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Tuần trước, giới chức Manila cho biết, đã xuất hiện nhiều tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough của Philippines. Theo đó, các hoạt động này như là dấu hiệu Bắc Kinh đang toan tính cải tạo trái phép rạn san hô thành một đảo nhân tạo. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, điều này là rất đáng lo ngại. Nếu họ thành công trong việc xây dựng một hòn đảo và xây dựng (cấu trúc) ở đó, chúng tôi không thể lấy lại được nữa”, ông nói. Bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Philippines nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm hồi 2012.