Biển Đông “nóng” trên bàn nghị sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/5, Đối thoại Shangri-la 2015 - diễn đàn an ninh có tầm quan trọng hàng đầu...

Kinhtedothi - Ngày 29/5, Đối thoại Shangri-la 2015 - diễn đàn an ninh có tầm quan trọng hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương chính thức khai mạc tại Singapore, nhằm bàn thảo về nhiều vấn đề an ninh cấp thiết toàn cầu, trong đó tình hình Biển Đông là một trọng tâm của đối thoại.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự các phiên thảo luận.

Cơ hội đối thoại

Được tổ chức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng căng thẳng nhất là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng vĩnh viễn hoạt động cải tạo tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng vĩnh viễn hoạt động cải tạo tại Biển Đông.
Diễn đàn lần này được xem là cơ hội để các bên gặp gỡ, đối thoại và tìm cách giải quyết bất đồng, qua đó đảm bảo duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. Chủ đề chính là mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, động lực giữa các nước lớn, tình hình bất ổn định chính trị ở châu Á, và thách thức xuyên quốc gia nổi lên từ thảm họa cũng như mối đe dọa trên không gian mạng. Theo chương trình nghị sự, trong 3 ngày diễn ra (29 – 31/5), các đại biểu tập trung thảo luận về các chủ đề chính: Mỹ và các thách thức an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác an ninh tại châu Á; Ngăn chặn leo thang xung đột; Vai trò của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương.

Tái diễn đối đầu, đấu khẩu

Những chủ đề thảo luận này cho thấy, các diễn biến gần đầy tại Biển Đông với hành động đơn phương leo thang căng thẳng trong khu vực như cải tạo, bồi lấp các bãi đá, rặng san hô, xây hải đăng ở Biển Đông sẽ là “điểm nóng” thực sự tại các cuộc thảo luận năm nay.

Do sức nóng của chương trình nghị sự năm nay nên trong lần tổ chức thứ 14, Đối thoại Shangri-la thu hút được sự tham gia của những nhà lãnh đạo quốc phòng hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, New Zealand, Australia… Riêng Mỹ cử cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Đô đốc, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hary Harris và Chủ tịch Ủy ban Quân lực Mỹ Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sĩ John McCain. Trong khi đó, Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc tham dự.

Ngay trước thềm Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định sẽ tuyên bố rõ lập trường 3 điểm của Mỹ là yêu cầu dừng vĩnh viễn hoạt động xây cất nhân tạo, phản đối việc quân sự hóa trên biển; khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần thám và triển khai tàu tuần tra ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép; và cảnh báo Trung Quốc là họ đã đi quá xa các thông lệ và giao ước quốc tế...

Tuy nhiên, việc phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu bởi Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho thấy, Bắc Kinh rất chú trọng vấn đề an ninh biển. Và điều này chắc chắn sẽ làm bùng phát cuộc “đấu khẩu” giữa các diễn giả Trung Quốc với Mỹ và các nước châu Á có liên quan về vấn đề Biển Đông. Điều này một lần nữa cho thấy, quan điểm trước sau như một của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại vùng biển quan trọng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần