Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến khó khăn thành lợi thế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tân Hưng là một xã nằm cách xa trung tâm huyện Sóc Sơn với đồng đất không bằng phẳng, sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, với giải pháp  dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, UBND xã đã biến những khó khăn thành lợi thế để nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập cho nông dân. 

 
Chăm sóc lúa mùa tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn.
Chăm sóc lúa mùa tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn.
Cách đây 4 - 5 năm, hình ảnh những chiếc máy cấy, máy gặt chỉ xuất hiện trong ý nghĩ và mơ ước của nông dân xã Tân Hưng, bởi mỗi hộ bình quân có tới gần 20 thửa ruộng. Thế nhưng, đến nay những chiếc máy nông nghiệp đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên các cánh đồng của xã vùng ven sông Cầu này. Anh Nguyễn Văn Chinh, thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng phấn khởi cho biết, vụ mùa năm nay là vụ thứ hai gia đình anh ứng dụng phương pháp mạ khay máy cấy. "4 sào lúa nhà tôi chỉ cấy khoảng một giờ đồng hồ là xong với chi phí 100.000 đồng/sào, rẻ hơn 60% so với thuê cấy tay" - anh Chinh chia sẻ.

Từ mô hình thí điểm 5ha trong vụ xuân 2013, tới vụ mùa, toàn xã Tân Hưng triển khai thêm 5 mô hình mạ khay máy cấy với diện tích 25ha. Không những thế, tổ dịch vụ mạ khay máy cấy của xã còn sang làm thuê cho cả các xã lân cận như Xuân Thu và Kim Lũ... Ông Nguyễn Văn Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng chia sẻ, sau khi có Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư khóa X và Chương trình hành động số 02 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Trong đó tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Chỉ trong vòng hai năm (2010 - 2012) xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng một cách bài bản.

 

Nhờ quy hoạch lại đồng ruộng, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đến nay, trên địa bàn xã Tân Hưng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ năm 2012 đến nay, xã đã đưa vào sản xuất 300ha lúa hàng hóa chất lượng cao với các giống lúa thơm, nếp cái hoa vàng cho hiệu quả cao hơn canh tác lúa truyền thống 25 - 30%. Hơn nữa, hệ thống kênh mương được quy hoạch lại đã giúp người dân chủ động trong khâu tưới tiêu, đưa hàng trăm héc ta diện tích chiêm trũng cấy một vụ bấp bênh thành vùng cấy lúa hai vụ, năng suất cao.

 

Đến nay, toàn xã Tân Hưng có 3 máy gặt đập liên hoàn, 50 máy làm đất công suất từ 15 mã lực trở lên và hàng chục máy làm đất gia đình, đáp ứng 100% việc làm đất. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất làm giảm đáng kể sức lao động của người dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2012 chỉ còn 7%, giảm 18% so với năm 2008. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Tân Hưng đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân, ông Nghi kiến nghị, TP, huyện quan tâm hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp để làm tốt dịch vụ sản xuất. Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong sản xuất.