Biến kho xưởng bị bỏ quên thành điểm khảo cổ

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Toàn bộ Kho xưởng nóng 1B với diện tích cả nghìn mét vuông của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được KTS Mai Hưng Trung - nhà sáng lập Hà Nội Ad Hoc, thiết kế thành không gian nghệ thuật “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại”.

Theo KTS Mai Hưng Trung, “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” được thực hiện như một cuộc đối thoại với ý tưởng của Aldo Rossi (1931 - 1997, một kiến trúc sư người Ý nổi tiếng thế giới): “TP như ký ức tập thể của người dân, gắn liền với hiện vật và địa điểm”.

Quan điểm này được các nghệ sĩ sáng tạo thể hiện thông qua việc biến một phần không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành địa điểm khảo cổ để khám phá lịch sử của nhà máy ở đầu thế kỷ XX.

Không gian thực hiện là Kho xưởng nóng - một nhà kho vốn bị bỏ hoang, trải qua một quá trình biến đổi, tái dựng và hệ thống hóa để trở thành một không gian lưu trữ hiện vật và cả những ký ức chưa được kể.

Nhà kho thuộc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau khi được phục dựng làm không gian sáng tạo. Ảnh: Công Hùng
Nhà kho thuộc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau khi được phục dựng làm không gian sáng tạo. Ảnh: Công Hùng

Cách tiếp cận giàu tính tường thuật này khi đối chiếu với ý tưởng “Khảo cổ học hành vi” của Schiffer chính là những hành vi tương tác của con người với hiện vật và địa điểm - trọng tâm để hiểu được ý nghĩa lịch sử. Nhà máy, trong quá trình được tái hiện, đã nắm bắt được bản chất của những tương tác này và lưu trữ nhiều câu chuyện cũng như trải nghiệm của những con người đã từng đem lại sự sống phía sau lớp vỏ của nhà máy.

Trong phạm vi của Pavillon này, không gian đóng vai trò như một sân khấu cho những sự giao tiếp về ý tưởng, vượt qua cả bức tường, không gian của nhà máy. Nó khơi gợi những lời nhận xét chân thực về các phương án xây dựng, các quy trình phá dỡ cũng như tiềm năng tương lai của địa điểm thông qua sự hợp tác, đóng góp của cộng đồng địa phương.

Cách tiếp cận toàn diện này phản ánh ý tưởng của Schiffer vào sức mạnh của việc khám phá các khuôn mẫu của hành vi cũng như sự chung tay của cộng đồng để giải mã những bí mật về di sản.

5 khu vực trưng bày triển lãm thuộc “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” có những câu chuyện riêng. Trong đó có những hồ sơ lưu trữ của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Mỗi nghiên cứu này tái hiện dòng lịch sử hình thành của từng địa điểm và trình chiếu những tư liệu liên quan đến phối cảnh, tổng mặt bằng và tư liệu ngắn.

Tại khu vực này sẽ chiếu bộ phim tư liệu tái hiện đời sống của những nữ công nhân làm việc trong các nhà máy quốc doanh, từ đó chất vấn mối quan hệ giữa các thực thể kiến trúc và ký ức tập thể, con người.

Sau đó, người dân và du khách được tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và những đối chiếu từ góc nhìn quốc tế do nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh và nghệ sĩ - nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool thực hiện.

Tới khu vực tiếp theo là khu tương tác cộng đồng, người dân và du khách được tương tác trực tiếp với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn

Hà Nội, bao gồm thông tin cụ thể, vị trí của từng nhà máy. Không gian thứ ba thuộc “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” còn trưng bày mô hình vật lý thực của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và trình chiếu những hình ảnh sáng tạo, đề xuất hướng phát triển không gian và chức năng nhà máy xe lửa.

Bằng các giải pháp không gian sáng tạo, triển lãm đã đề xuất đánh thức không gian di sản, thổi sức sống mới vào các không gian xưa cũ, tái truyền tải các mã gene văn hóa vào thế hệ trẻ ngày nay. Từ đó công chúng có những góc nhìn mới về di sản và cùng chung tay để các di sản công nghiệp thành nơi tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.