Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến nơi xa thành “sân sau”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không đầy một năm sau chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường lại có chuyến thăm một loạt quốc gia khu vực Mỹ Latinh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (phải). Ảnh: AP
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (phải). Ảnh: AP
Giống như ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Brazil, Cuba, Argentina và Venezuela trước đó, ông Lý Khắc Cường trong chuyến thăm này ở Brazil, Colombia, Peru và Chile cũng sử dụng con chủ bài đắc dụng nhất của Trung Quốc là vốn đầu tư trực tiếp ở mức độ nhiều tỷ và hàng chục tỷ USD. Mỹ Latinh vốn đã từng được coi là “sân sau” của Mỹ và ở cách rất xa Trung Quốc, nhưng giờ đang được Trung Quốc dần biến thành “sân sau” của mình.

Trung Quốc hiện có được thiên thời để thực hiện mục tiêu này. Trong suốt thời gian dài, Mỹ đã sao nhãng quan tâm tới khu vực Mỹ Latinh. Các nước trong khu vực chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ, trở nên độc lập và tự tin hơn với Mỹ, cũng như tích cực chủ động hợp tác với đối tác ở bên ngoài châu Mỹ để phát triển và tạo đối trọng. Trung Quốc có tiềm lực tài chính và lợi ích chiến lược về mọi phương diện trong việc chinh phục khu vực. Trung Quốc không có vướng mắc về ý thức hệ với một số nước trong khu vực như Mỹ. Trung Quốc không áp đặt điều kiện chính trị cho viện trợ tài chính và phát triển, hợp tác đầu tư và thương mại. Cách làm của Trung Quốc là sử dụng vốn đầu tư trực tiếp làm công cụ và phương cách tranh thủ và thu phục đối tác. Năm ngoái, ông Tập Cận Bình cam kết trong thời gian 10 năm, Trung Quốc đầu tư vào khu vực Trung và Nam Mỹ 250 tỷ USD. Năm nay, đến thăm Brazil, ông Lý Khắc Cường và Chính phủ Brazil ký kết thỏa thuận về những dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá tổng cộng 50 tỷ USD. Trung Quốc đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực và nhận về không chỉ tài nguyên thiên nhiên ở đây mà còn cả sự ràng buộc tương lai phát triển của khu vực này vào Trung Quốc. Cứ “năng nhặt chặt bị” như thế, nơi xa này dần trở thành “sân sau” thật sự của Trung Quốc.