Đây là một trong những biện pháp cần kíp trong gói giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thủ đô.
Sử dụng camera giám sát để phạt nguội trong vi phạm giao thông là cách làm phổ biến ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, cách làm này cũng được áp dụng ở những TP lớn trong nhiều năm qua và mang lại hiệu quả rất tích cực.
Ở Hà Nội, hệ thống camera giám sát đã lên tới hàng nghìn chiếc, phủ khắp các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm. Theo thống kê, chỉ tính riêng Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang quản lý, sử dụng gần 600 camera các loại, trong đó có hơn 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, hơn 100 camera phục vụ xử phạt vi phạm giao thông và gần 100 thiết bị giám sát giao thông. Ngoài ra, tại nhiều nút giao thông còn có camera của công an các quận; camera của VOV giao thông; camera theo dõi điểm ngập úng của ngành thoát nước...
Sự có mặt của hệ thống camera giám sát không chỉ giúp lực lượng chức năng sớm phát hiện những hành vi vi phạm giao thông mà còn hỗ trợ điều tiết giao thông tại những nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Sau nhiều năm áp dụng, có thể khẳng định camera giám sát là công cụ chiến lược và cực kỳ hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát cũng như xử lý vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, hệ thống camera giám sát ở Hà Nội dù nhiều về số lượng những vẫn chưa có tính đồng bộ, vì thế mà chưa thể phát huy được tối đa hiệu quả vốn có. Hay nói cách khác là “quý hồ đa bất quý hồ tinh”.
Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống camera giám sát lâu nay mới chỉ phát huy được công năng đối với việc phát hiện sai phạm của người tham gia giao thông. Còn đối với các đơn vị, DN kinh doanh vận tải, đặc biệt với những xe hợp đồng trá hình, taxi dù... hệ thống camera giám sát tại nhiều điểm vẫn tỏ ra vô hại.
Chính vì vậy, trong đề xuất mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã nhấn mạnh, lực lượng chức năng cần rà soát, thống kê các địa điểm phát sinh tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định theo phản ánh của người dân, đặc biệt là các xe hợp đồng Limousine để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài tăng cường số lượng thiết bị, việc khảo sát, đánh giá và xác định những vị trí trọng điểm, cần kíp phải lắp đặt camera theo dõi cũng là công việc rất quan trọng. Đây chính là cách “quy hoạch lại” hệ thống camera nhằm phát huy tối đa công năng của thiết bị theo dõi hiện đại này.
Như vậy, trong đợt lắp đặt bổ sung camera giám sát sắp tới đã có sự xác định rõ ràng về đối tượng cần tập trung. Người dân Thủ đô hoàn toàn có thể hy vọng, với việc tăng cường bổ sung camera giám sát trong thời gian sắp tới, tình trạng “xe dù, bến cóc” sẽ được xử lý một cách triệt để.
Hơn nữa, biện pháp này sẽ ngăn ngừa tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cũng như nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.