Ngày 28/12, Bộ Y tế đã có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam.
Liên quan đến trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, bệnh nhân K.V.H.M. - người nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam hiện có sức khỏe ổn định, chưa biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán đây là ca Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp. Bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện 108 tiếp nhận 1 ca Covid-19 là hành khách trên chuyến bay Bamboo Airway QH9028 từ Anh về Việt Nam. Người này tên K.V.H.M., có xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại sân bay. Ngay sau đó, hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly của bệnh viện, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính (CT: 16.52). Với yếu tố dịch tễ trở về từ Anh Quốc, ngày 20/12, Bệnh viện 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới, sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến thể Omicron.
Tuy nhiên, do chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong protein gai, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự thứ nhất chưa cho kết quả khẳng định rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12, nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân K.V.H.M. Kết quả giải trình tự gen xác định, bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) với các đột biến trên protein gai: A67V, del69-70, T95I, del142-144, Y145D, del211, L212I, ins214EPE, G339D, S371L, S373P, S375F, K417N, N440K, G446S, S477N, T478K, E484A, Q493R, G496S, Q498R, N501Y, Y505H, T547K, D614G, H655Y, N679K, P681H, N764K, D796Y, N856K, Q954H, N969K, L981F. So sánh trên hệ thống phân tích cho thấy độ chính xác là 99,99%. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chi đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch cũng như sự biến chủng mới Omicron tại Việt Nam.
Biến thể mới Omicron chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp hôm 26/11/2021 (theo giờ Việt Nam). Ban đầu nó được gọi là B.1.1.529 , lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi vào ngày 9/11/2021, được báo cáo lần đầu cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11. WHO cũng phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại", đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.
Ngày 11/11/2021, có 120 mẫu xét nghiệm biến chủng SARS-CoV-2 "chưa từng thấy", được gọi là B.1.1.529, đầu tiên được phát hiện ở Gauteng, Nam Phi. Đến nay, hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Biến thể Omicron có đến 60 đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu với 50 đột biến không mã hóa, 8 đột biến đồng nghĩa và 2 đột biến không mã hóa. Đáng chú ý là 32 đột biến về protein gai S, là yếu tố kháng nguyên chính của các loại vaccine. Nhiều đột biến trong số đó đã không được quan sát thấy ở các chủng khác. Vì quá nhiều đột biến, các chuyên gia dịch tễ, lâm sàng rất lo ngại rằng Omicron có thể lây lan nhanh, trốn né miễn dịch và khả năng kháng vaccine. Đến nay, nhiều nghiên cứu, khảo sát đa trung tâm, đa quốc gia cho thấy các vaccine đang sử dụng vẫn có tác dụng phòng vệ với biến thể Omicron này. Theo các chuyên gia dịch tễ, điểm nguy hiểm nhất ở biến thể này là virus mang 32 gen đột biến khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta sẽ dễ tạo thành biến chủng khác.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có biến thể Omicron, nhất là sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là một hành khách từ Anh về. Theo thông báo của Bộ Y tế phát trước đó, biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Trước đó, Chính phủ và ngành y tế đã chủ động chuẩn bị cho giải pháp đáp ứng với biến chủng này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng mức cảnh báo để không bị động, bất ngờ; chuẩn bị đầy đủ 4 tại chỗ; tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để tiếp cận F0, tránh quá tải hệ thống y tế; tăng cường giám sát giải trình tự gene để phát hiện chủng virrus; tăng cường kiểm dịch biên giới....
Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu người dân thực hiện dự phòng, hạn chế đi lại, khuyến cáo không tụ tập đông người, thực hiện 5K, đặc biệt dịp giáng sinh, lễ tết… Người dân tuân thủ các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 và tiêm chủng đầy đủ.