Biến thể phụ BA.2 của Omicron đã thu hút sự chú ý của giới chức y tế thế giới, trong bối cảnh các hạn chế do đại dịch đã được nới lỏng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể này đã phân loại là một "biến thể đáng lo ngại".
Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, biến thể này còn được gọi là Omicron "tàng hình" vì đột biến gen khó phân biệt với biến thể Delta, so với bản gốc của Omicron (BA.1).
WHO cho biết trong một tuyên bố gần đây "dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có vẻ dễ lây lan hơn BA.1, hiện vẫn là biến thể Omicron phổ biến nhất được ghi nhận."
Phó Chủ tịch Y tế Cấp cứu của hệ thống Northwell Health - Tiến sĩ Fred Davis, chia sẻ với Fox News rằng cho đến nay vẫn chưa có thông tin biến thể BA.2 gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ nhập viện.
Các đánh giá ban đầu cho thấy rằng tiêm chủng và thuốc được chứng minh có khả năng ngăn ngừa 77% số ca bệnh chuyển nặng cần nhập viện.
Theo Tiến Sĩ Aaron E. Glatt, người phát ngôn Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, BA.2 có khả năng lây lan mạnh hơn nhưng không gây bệnh nghiêm trọng hơn BA.1. Chuyên gia này cảnh báo những khu vực chưa ghi nhận nhiều ca nhiễm BA.1 có nguy cơ chứng kiến nhiều ca nhiễm BA.2. Ông Glatt cho biết gần như không ai tái nhiễm BA.1 hoặc BA.2.
Các nghiên cứu đánh giá nguy cơ tái nhiễm BA.2 so với BA.1 cho thấy đã ghi nhận trường hợp tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1. Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu của các nghiên cứu về nguy cơ tái nhiễm ở cấp độ dân số cho thấy những người từng nhiễm BA.1 có kháng thể mạnh hơn để ngừa nguy cơ tái nhiễm BA.2.
Báo cáo của WHO cũng nêu rõ dữ liệu nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm của Nhật Bản sử dụng mẫu thí nghiệm động vật không có miễn dịch với SARS-CoV-2 cho thấy BA.2 có thể gây bệnh nặng hơn cho chuột hamster so với BA.1. Tuy nhiên, báo cáo cho biết số liệu thực tế được thu thập tại Nam Phi, Đan Mạch và Vương quốc Anh, những nước có mức miễn dịch cao do tiêm chủng hoặc do nhiễm virus, cho thấy BA.2 và BA.1 được báo cáo là gây ra mức độ bệnh như nhau.