Kinhtedothi - Đề án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của Hà Nội đang vào giai đoạn “nước rút”. Gần 1.500 DSVHPVT, trong đó có khoảng 200 di sản cần quan tâm bảo vệ như thế nào; có hay chăng những cuộc đua xếp hạng danh hiệu…, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam, đơn vị tư vấn thực hiện đề án xung quanh các vấn đề này.
Theo dự kiến, tháng 12/2015, Hà Nội sẽ hoàn thành đề án kiểm kê DSPVT của Thủ đô. Bà có thể cho biết đề án đã thực hiện được những kết quả gì?
- Đến nay, 22 quận, huyện đã có kết quả, bản đồ kiểm kê DSVHPVT; 8 quận nội thành đang làm, chuẩn bị lên bản đồ. Số lượng DSVHPVT được nhận diện gần 1.500, trong đó có khoảng 200 di sản cần quan tâm đầu tư gìn giữ. Năm 2015, Hà Nội đã chọn ra 6 di sản của 6 loại hình khác nhau, như: Tiếng Lóng thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên; bơi chải và hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ; hát Trống quân ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ và xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên; nghề rèn ở Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; nghệ thuật Hát và Múa Ải Lao, làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên; tri thức chữa bệnh dân gian bằng thuốc Nam của người Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì; để ưu tiên bảo vệ. Trước khi kiểm kê, bà con ở các huyện khẳng định hát Trống quân không còn, nhưng khi đi sâu vào kiểm kê thì thấy di sản vẫn đang tồn tại đâu đó. Chính vì vậy, chúng tôi đã vừa kiểm kê vừa đưa vào danh mục khẩn cấp để bảo vệ.
Ngoài ra còn có một di sản chuẩn bị làm hồ sơ vào danh mục DSVHPVT quốc gia như: Hội đền Và (Sơn Tây), hội Hát Môn, bơi chải (Chương Mỹ), nghệ thuật trình diễn Ải Lao (Long Biên), hội đình Chèm (Bắc Từ Liêm). Cho đến nay, Hà Nội đạt được một kết quả kiểm kê thực tiễn, chỉ ra rõ sức sống của di sản với con người và địa chỉ cụ thể.
Qua quá trình kiểm kê, ý thức bảo vệ di sản của nhà quản lý văn hóa và người dân thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Qua mỗi lần kiểm kê, nhận diện từng di sản, người quản lý, nhà khoa học cũng như người dân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về di sản. Chúng tôi không thể ngờ bên trong cuộc sống của người dân tiềm ẩn nhiều giá trị di sản văn hóa đến thế. Chúng tôi đều tự bảo nhau có kiểm kê thế này mới biết thế nào là di sản. Di sản không phải cái gì quá to tát, rất gần gũi trong đời sống. Chúng ta có thể làm được từ những biện pháp nhỏ nhất. DSVHPVT không cần quá nhiều tiền, hay cần dự án lớn để bảo vệ; mà ngay bây giờ có thể bắt tay thực hiện. Chúng ta có thể ghi lại để nhớ, trao lại cho những người trong gia đình về di sản. Bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu của Hà Nội là từ sự nhận dạng giá trị đã nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là của người quản lý di sản. Nếu chúng ta giữ được di sản, sẽ có được nhiều thứ, đặc biệt là nền tảng văn hóa bản sắc. Từ nền tảng đó có thể khai thác sử dụng trong đời sống hàng ngày, làm cuộc sống phong phú hơn, hoặc có thể kiếm tiền từ di sản đó.
Có một mặt trái của cách nhìn nhận, đánh giá về DSVHPVT đó là tư duy xếp hạng di sản của các địa phương sở hữu di sản và cả những người làm quản lý văn hóa. Nếu vậy làm sao có thể hạn chế được tình trạng này?
- Tư duy xếp hạng không chỉ có Việt Nam mà còn cả ở quốc tế. Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề này là nhiệm vụ của những người làm quản lý văn hóa, đặc biệt là các nhà khoa học. Chúng ta phải làm rõ điều đó để có thái độ công bằng với di sản. Cho dù có vào danh mục DSVHPVT quốc gia hay là không thì DS đều có ý nghĩa với người dân. Chính vì vậy điều quan trọng nhất là phải thường xuyên tập huấn, thông qua các phương tiện truyền thông để nói lên được tính đa dạng của văn hóa.
Theo bà, “hậu” công tác kiểm kê DSVHPVT, Hà Nội cần làm những gì để giữ được di sản mà không trôi đi như bao đề án khác?
- Nhiệm vụ của đề án là phải đưa ra biện pháp có tính chiến lược, như có chính sách phải điều chỉnh, bổ sung; trong đó có chính sách đầu tư. Không nên làm theo kiểu bao cấp, cân đối hàng năm, cho tất cả các đơn vị, mà cần cấp cho ý tưởng, dự án bền vững. Đề xuất này được chúng tôi đặt ra từ kinh nghiệm quốc tế. Tiếp theo trong đề án cũng đề ra chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản cũng như người dân. Ví dụ để người dân có thể bước lên sân khấu trình diễn thuần thục, Nhà nước phải có sự hỗ trợ về mặt đào tạo…
Qua hơn 3 năm kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội, điều gì khiến bà bất ngờ nhất?
- Bất ngờ nhất với chúng tôi là hiểu biết của người dân về di sản. Chúng ta đều nghĩ người dân thờ ơ với di sản, nhưng thực tế người dân rất hiểu về di sản của họ. Trong quá trình thực tế kiểm kê, chúng tôi được nghe những điều về di sản mà đọc trên sách vở không thấy. Chính vì vậy, qua công tác kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội chúng tôi rất mong muốn các nhà khoa học, các nhà làm quản lý hãy tiếp cận di sản bằng con đường tiếp xúc thực tiễn, lắng nghe người dân, để người dân làm chủ thể của di sản.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!