Biết rồi, khổ lắm vẫn phải nói

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đầu năm, làng quần vợt Việt Nam đã nổi sóng. Nguyên nhân cũng từ những tranh cãi chẳng có hồi kết giữa đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ sở hữu các tuyển thủ. Và nếu không ứng xử khéo, làng quần vợt Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ có thể gây ra sự bất ổn.

Sóng ngầm

Thời gian qua, đội tuyển quần vợt Việt Nam đã được tập trung để chuẩn bị cho vòng loại Davis Cup - nhóm II khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014 diễn ra từ ngày 14 - 16/2 tại TP Đà Lạt. Đây là giải đấu rất quan trọng bởi nếu giành chiến thắng trước đối thủ Pakistan, quần vợt Việt Nam sẽ được lên nhóm I.

Thi đấu trên sân nhà, quần vợt Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó có việc tập trung được những tay vợt xuất sắc nhất. Trong đó, gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ chính là Lý Hoàng Nam. Tay vợt trẻ từng gây chấn động với việc giành ngôi vô địch toàn quốc và giải trẻ châu Á đã nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Tập đoàn Becamex.

 
Lý Hoàng Nam - gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng. 	Ảnh: An An
Lý Hoàng Nam - gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: An An

Đáng nói ở chỗ, dù có lệnh triệu tập khoác áo đội tuyển quốc gia nhưng câu lạc bộ đang sở hữu tay vợt này vẫn một mực chối từ. Họ lấy lý do rằng, Hoàng Nam mới tham dự giải đấu quốc tế nên thi đấu tiếp có thể khiến quá sức dẫn tới chấn thương.

Hãy vì cái chung

Nhiều người nói rằng, viện cớ lo cho sức khỏe của Hoàng Nam chỉ là cái cớ cho những bất đồng. Với quỹ thời gian gần một tháng nghỉ ngơi, tay vợt này hoàn toàn có thể đạt được nền tảng thể lực sung mãn nhất. Thế nên, điều mấu chốt chính là việc, những người hữu trách phải biết gạt bỏ cái riêng tư để vì VĐV và vì thành tích của quần vợt Việt Nam.

Đáng nói hơn, khi mà hai tay vợt chủ lực là Hoàng Thiên và Quốc Khánh dính chấn thương trước thềm Davis Cup thì sự hiện diện của Hoàng Nam có thể giúp đội tuyển quần vợt Việt Nam đủ sức đương đầu với đối thủ đến từ Pakistan. Nhưng, nếu các bên không sớm tìm được tiếng nói chung và Hoàng Nam tiếp tục vắng mặt thì điều đáng tiếc sẽ xảy đến. Đội tuyển thì mất hảo thủ, suy giảm sức mạnh còn Hoàng Nam phải đối diện với án phạt cấm thi đấu lên đến 3 năm.

Trong cuộc tranh cãi liên quan đến Hoàng Nam, ai cũng có cái lý của mình. Nhưng, chỉ cần một lựa chọn sai của HLV, không ai khác, Hoàng Nam sẽ phải trả giá bằng cả tương lai của mình. Và, chúng ta cũng chẳng thấy vui vẻ gì khi chứng kiến một tài năng bị kỷ luật vì người lớn chẳng thể ngồi "chung mâm". Tuy nhiên, qua đây cũng cần phải đặt câu hỏi lại với ban lãnh đạo liên đoàn quần vợt là tại sao những quyết định của họ thường xuyên phải đối mặt với sự phản ứng từ câu lạc bộ. Nếu không trả lời được câu hỏi này, tranh cãi sẽ còn tiếp diễn.