Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biệt thự liên quan đến vua Bảo Đại ở Ngọc Hà, Hà Nội: Giá trị gốc không còn nhiều

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đây, người dân Thủ đô dường như chỉ nghe về ngôi biệt thự duy nhất mà vua Bảo Đại trú ngụ tại Hà Nội thời gian ngắn, tại 51 Trần Hưng Đạo (nay là trụ sở của Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).

Chính vì thế, thông tin về một biệt thự xây dựng trước năm 1945, gắn với vua Bảo Đại ở làng hoa Ngọc Hà được một doanh nhân vừa mua lại và đưa thông tin lên Facebook khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Sự “làm mới” đáng tiếc

Theo doanh nhân Hồ Hoàng Hải - người hiện đang sở hữu phần lớn căn biệt thự ở số 10A dốc Ngọc Hà, Hà Nội (nay là ngõ 186 Ngọc Hà) được cho là liên quan đến vua Bảo Đại, thì ngôi biệt thự này do KTS người Pháp là Arthur Kruze thiết kế. Nguyên bản có 3 tầng, tuy nhiên chủ nhà trước đã cải tạo tầng áp mái chống nóng thành tầng 4. Diện tích mặt sàn biệt thự đến nay vẫn nguyên vẹn. Khu trước biệt thự vốn là sân vườn rộng trên 300m2, có tường rào - được người dân khu vực gọi là “tường rồng” uốn lượn bao quanh, tuy nhiên khoảng trống này hiện đã được người dân xây nhà để ở, duy tường rồng bao quanh vẫn giữ được gần nguyên vẹn, chỉ có một đoạn ngắn ngay góc cua phía đầu ngõ đã bị phá đi.
 Một góc ngôi biệt thự vẫn giữ được nguyên bản. Ảnh: Thương Huế

“Cách đây hai tháng tôi vừa mua lại được một phần sở hữu của ngôi biệt thự là một phần tầng 1 và tầng 3, phần còn lại là của 4 chủ sở hữu nữa. Nhìn chung, nội thất bên trong nhà được giữ nguyên vẹn đến kinh ngạc suốt 110 năm qua như: Cầu thang, sàn gỗ lim, lò sưởi, cửa gỗ, tủ gỗ âm tường” - doanh nhân Hồ Hoàng Hải chia sẻ và bày tỏ mong muốn tìm được giải pháp để bảo tồn kiến trúc cũng như giá trị lịch sử, văn hoá của ngôi biệt thự này.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau 4 giờ đồng hồ khảo sát sơ bộ trong và khuôn viên ngôi biệt thự này, PGS.TS Khuất Tân Hưng - Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, giá trị gốc của ngôi biệt thự đã bị lu mờ bởi sự làm mới đáng tiếc.

Theo PGS.TS Khuất Tân Hưng, mặc dù căn biệt thự vẫn giữ được nhiều giá trị gốc đáng quý, nhìn ngoài vào những người chuyên môn đều nhận thấy được những chi tiết hiện hữu như: Mái ngói âm dương; kiến trúc mái lấy cảm hứng từ mái đình truyền thống với đầu đao vút lên ở bốn góc; tường rồng bao quanh; cầu thang lát gạch nung đỏ phía trước biệt thự dẫn lên tầng 2 vẫn nguyên bản. Bên trong biệt thự có lò sưởi, tủ âm tường, khung rèm cửa sổ còn nguyên vẹn… cho thấy công trình có kiến trúc biệt thự thời Pháp thuộc này hết sức độc đáo, kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây. Vẻ bề ngoài mang dáng dấp của phương Đông, trong lòng lại kiến trúc tân kỳ kiểu phương Tây; không hề mâu thuẫn với nhau, mà hòa hợp với nhau đáng ngạc nhiên và thú vị.
Song đáng tiếc, việc gia chủ đã làm mới tường bằng màu sơn trắng, cộng với việc làm trần thạch cao, cộng với khuôn viên cảnh quan của biệt thự gốc đã bị thay thế bằng những ngôi nhà ống cao tầng nhấp nhô, khiến cho kiến trúc gốc của ngôi biệt thự bị chìm và lu mờ.

“Đó là chưa kể, ngôi biệt thự đã được nâng thêm một tầng áp mái, cầu thang gỗ hiện tại rất có thể không phải nguyên bản, vì qua tìm hiểu sơ bộ, cầu thang gốc nghiêng về phương án được làm bằng grantino (đá hạt, bột màu, xi măng, công tác trát, láng) chứ không phải ốp gỗ. Cùng đó, việc đa sở hữu của ngôi biệt thự hiện tại khiến cho không gian, kiến trúc ở đây bị phá vỡ bởi những bức tường ngăn ranh giới sở hữu. Ví như cầu thang từ tầng 1 dẫn lên tầng 3 (phần sở hữu của doanh nhân Hồ Hoàng Hải). Với kiến trúc này, cầu thang đi lên bên phải là đại sảnh ở tầng 2 nhưng lại bị thu hẹp bởi một bức tường và tiếp đó đường dẫn lên tầng 3 khá hẹp.” - PGS.TS Khuất Tân Hưng phân tích.

Cần mở rộng phạm vi bảo tồn

Theo PGS.TS Khuất Tân Hưng, để ngôi biệt thự nói trên phát huy được giá trị thì yếu tố gốc phải được phát lộ rõ nét. Làm được điều này, ông cho rằng không đơn giản, vì nguyên tắc của bảo tồn là phải quy hoạch bảo tồn tổng thể rồi mới đến cụ thể, tức là bảo tồn cả khu vực này, từ số nhà 170 - 186 Ngọc Hà, bởi khu vực này hiện vẫn còn một số biệt thự kiến trúc thuộc địa Pháp, thậm chí có biệt thự kiến trúc còn nguyên vẹn hơn cả ngôi biệt thự liên quan tới vua Bảo Đại nói trên. Trong khi đó, khu vực này lại nằm ngoài ranh giới quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội.
“Tuy nhiên, nó còn chút may mắn là vẫn nằm trong danh mục quản lý biệt thự thời Pháp thuộc của TP. Nhưng muốn bảo tồn và phát huy giá trị của dinh thự này thì nhất định phải mở rộng phạm vi bảo tồn” - PGS.TS Khuất Tân Hưng nhấn mạnh.
 Doanh nhân Hồ Hoàng Hải (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các chuyên gia và phóng viên Kinh tế và Đô thị.
Về việc doanh nhân Hồ Hoàng Hải muốn được bảo tồn ngôi biệt thự này, PGS.TS Khuất Tân Hưng nhận định đây là tin vui, đáng hoan nghênh và cần khuyến khích. Bởi lẽ thực tế, những ngôi biệt thự kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội còn giữ lại được khá nguyên vẹn hầu hết thuộc sở hữu Nhà nước là cơ quan công sở, đại sứ quán; biệt thự sở hữu tư nhân dường như đã bị biến dạng theo thời gian. Ông cũng cho rằng, để làm được điều này thì trước tiên doanh nhân Hồ Hoàng Hải phải mua được toàn bộ quyền sở hữu căn biệt thự thì mới có thể tiến hành bảo tồn và phát lộ được giá trị gốc, phát huy giá trị của ngôi biệt thự về mọi mặt.

Bày tỏ sự đồng tình cao với những phân tích và nhận định của PGS.TS Khuất Tân Hưng, TS.KTS Vũ Hoài Đức - giảng viên Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trên thế giới đã có những kinh nghiệm bảo tồn thành công di sản đô thị có thể áp dụng cho trường hợp này ở Hà Nội. Người ta tập hợp những người yêu di sản lại thành một nhóm, nhóm người này với hạt nhân là những “mạnh thường quân”, vừa đẩy mạnh thông tin truyền thông về giá trị của công trình di sản, nhằm tạo nhận thức mới trong cộng đồng. Tiếp đó, họ sẽ hoạt động mạnh mẽ trên mặt trận pháp lý (vận động các quy định nhằm gây khó khăn hơn cho việc thay đổi bố cục đô thị và phá hủy các công trình giá trị) và cuối cùng là họ mới quyên góp đủ tiền, mua những tòa nhà di sản, cải tạo đẹp đẽ rồi bán lại với giá cao hơn nhiều, kèm theo các giao ước pháp lý bảo vệ nét đặc sắc của chúng.

“Theo tôi, ở Việt Nam, cụ thể là Hà Nội cũng có thể triển khai theo cách này và anh Hải có thể thành lập team những người yêu thích biệt thự cổ, cũ để huy động sức mạnh tập thể trong công tác bảo tồn, không chỉ ngôi biệt thự có phần sở hữu của anh mà còn nhiều ngôi biệt thự đơn lẻ khác thuộc sở hữu tư nhân trong khu vực và trên địa bàn TP” – TS.KTS Vũ Hoài Đức nói và cho rằng, trước mắt, cần đánh giá đúng giá trị của của bản thân di sản đô thị trong quần thể không gian có sự liên kết hữu hình và vô hình trên chiều cạnh văn hóa – lịch sử. Ví như sự tiếp nối của dãy 3 biệt thự, có liên hệ chặt chẽ với Công viên Bách Thảo – vườn thượng uyển khi xưa; bên Đình và làng Ngọc Hà – một trong những vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long. Từ đó, có thể đưa ra và thực thi các chế tài trong việc sửa chữa, xây dựng đối với công trình, khu vực công trình được nhận định là có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc. 

Dù gọi là “Biệt thự Bảo Đại” nhưng thực tế vua Bảo Đại có từng sở hữu hoặc thật sự sống ở đây hay không cũng chưa ai chắc chắn. Có thông tin là ngôi biệt thự  này do một người cô của vua Bảo Đại cho xây dựng và khánh thành vào năm 1911 (Bảo Đại sinh năm 1917), khi thoái vị, vua Bảo Đại từng hay lui tới đây. Thế nhưng, thông tin lại cho rằng, đây là ngôi biệt thự của anh “cọc chèo” với vua Bảo Đại, tức của Nam tước Pièrre Jules François Didelot - chồng của bà Marie Agnès Hữu Hào, chị gái của Nam Phương Hoàng Hậu.

Biệt thự được xây dựng năm 1939 chứ không phải 1911, bởi KTS Arthur Kruze (1900 - 1989) - giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vì theo tài liệu ghi lại, KTS Arthur Kruze tốt nghiệp ngành kiến trúc năm 1929 và sang Việt Nam làm giảng viên năm 1930 - 1954.