Vào những ngày cuối tháng 8 này, Bộ VHTT&DL sẽ chính thức khởi động dự án trên. Dành trọn vẹn “giờ vàng” Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thay mặt Bộ VHTT&DL thông báo các suất diễn đã xếp lịch đến cuối năm 2016 theo từng đợt. “Từ năm 2017, Bộ sẽ lựa chọn sắp xếp các chương trình nghệ thuật chất lượng cao diễn ra vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần” – ông Chương cho biết. Hiện nay, 17 chương trình nghệ thuật, sân khấu đã được lên kịch mục. Đợt biểu diễn chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh sẽ có chương trình: “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt 1” của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (30/8); vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của Nhà hát kịch Việt Nam (31/8); chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” của Nhà hát Chèo Việt Nam (1/9).
Các tác phẩm công diễn trong tháng 9 gồm: Kịch nói “Công lý không gục ngã” của tác giả Lê Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ) vào 10/9; múa rối “Nhịp điệu quê hương” của Nhà hát múa rối Việt Nam vào 21/9. Trong tháng 10, sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội chủ yếu dành cho nghệ thuật truyền thống Việt; tháng 11, những sản phẩm sân khấu hấp dẫn, kinh điển sẽ lần lượt được giới thiệu tại “thánh đường nghệ thuật”; Tháng cận năm, Bộ VHTT&DL cũng đã xếp lịch cho 5 chương trình: Vở ba lê cổ điển “Kép hạt dẻ” của tác giả Tchaikovsky; vở kịch nói “Hamlet”; chương trình “Nếp nhăn và nụ cười”; chương trình Hòa nhạc đặc biệt 2; vở kịch nói “Ai là thủ phạm”. Trước những lo ngại có đủ tác phẩm chất lượng cao để diễn theo đúng lịch, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng hoàn toàn có cơ sở để Bộ VHTT&DL hoàn thành mục tiêu này. Bởi không chỉ có 130 đơn vị công lập, trên cả nước có rất nhiều đơn vị ngoài công lập. “Chỉ cần các đơn vị có tác phẩm, có nhu cầu biểu diễn, liên lạc với thành viên Hội đồng thẩm định là chúng tôi sắp xếp tổ chức xem và đánh giá tác phẩm” – ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chia sẻ. Những ai có thể vào xem? Có thể nói, chủ trương này nhận được sự ủng hộ lớn của giới truyền thông và người làm nghề. Xuất hiện trong cuộc họp sáng 22/8, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đùa tế nhị: Dù không được mời nhưng hôm nay tôi và NSND Lê Hùng rủ nhau cùng đến đây để thể hiện tinh thần đồng tình cho chủ trương nâng đỡ nghệ thuật truyền thống của Bộ trưởng. “Sân khấu nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung của Việt Nam đang trong tình trạng khốn khó. Nếu Bộ VHTT&DL không hỗ trợ thì không biết chèo, kịch nói, cải lương, rối… còn vất vả đến khi nào. Tôi cho rằng đưa nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn Hà Nội là động thái tích cực của cơ quan quản lý văn hóa” – PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ. Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, với chính sách này, đòi hỏi Ban quản lý Nhà hát Lớn phải chuyên nghiệp trong khâu maketing quảng bá tác phẩm, phát hành vé, nghĩa là hướng tới Nhà hát Lớn Hà Nội phải là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn, chuyên nghiệp của cả nước. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật chỉ cần chuyên tâm xây dựng tác phẩm, không phải lo lắng khâu phát hành như trước. Không thu mức giá vé quá cao so với bên ngoài để nhiều khán giả có cơ hội thưởng thức nghệ thuật và tham quan vẻ đẹp kiến trúc của Nhà hát Lớn. Tới đây, Bộ VHTT&DL sẽ làm việc với Tổng Cục Du lịch, các công ty lữ hành để đưa các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Lớn vào tour, tuyến giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế. Với chủ trương này, khán giả của Nhà hát Lớn sẽ không chỉ dành cho những người có tiền, mà cho số đông công chúng có tấm lòng với nghệ thuật và di sản.
Một cảnh trong vở kịch ''Biệt đội báo đen'' của Nhà hát Kịch Việt Nam. |