Biểu tượng của Đại đoàn kết dân tộc

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bao đời nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn là một trong những sự kiện tâm linh thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với hàng triệu lượt người cùng hành hương về tri ân các vị Vua Hùng.

Và không chỉ trong những ngày diễn ra Lễ Hội, Đền thờ các Vua Hùng còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, là điểm đến mong ước của mọi người dân nước Việt dù đang sinh sống ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S thân thương hay định cư, làm ăn sinh sống ở nước ngoài.
 
Và phàm đã là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trong Thời đại Hồ Chí Minh, không ai là không thuộc nằm lòng câu nói bất hủ của Bác Hồ khi trò chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Hạ trước ngày về tiếp quản Thủ đô (ngày 18/9/1954): Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...
Với niềm tin thành kính, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực thi, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Việc thờ cúng không chỉ thể hiện sự biết ơn với Đức Quốc Tổ, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu… mà còn là sự thể hiện truyền thống đoàn kết của dân tộc, nhân tố quan trọng góp phần dựng xây và bảo vệ đất nước trong suốt bề dầy hàng ngàn năm lịch sử qua bao biến thiên, thăng trầm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ VHTT&DL Việt Nam xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bên cạnh những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, điều làm nên giá trị mang tầm di sản thế giới của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn ở chỗ nó thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Hiếm có quốc gia nào như ở Việt Nam, đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, những người con Đất Việt xa quê hương đều xem mình là con cháu của vua Hùng, chung một nguồn cội.
Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, TP Việt Trì, Phú Thọ. Và không chỉ ở Phú Thọ, hầu như ở địa phương nào cũng có thể gặp những điểm thờ cúng các Vua Hùng. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã có hàng chục ngôi đền thờ phụng hoặc phối thờ tưởng nhớ các Vua Hùng.
Vinh dự là địa phương được cả nước tin yêu trao trách nhiệm gìn giữ, tổ chức Giỗ Tổ - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 này cũng như mọi năm, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, các địa phương trong tỉnh tập trung cao độ với mục tiêu đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Đặc biệt, trong buổi họp với Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày 21/3, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 phải tập trung tăng cường an ninh trật tự, bảo đảm “5 không”: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Thực tế những ngày qua cho thấy, những tiêu chí nói trên đã được thực hiện có hiệu quả. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng Kỷ Hợi 2019 đang diễn ra trang nghiêm, trọng thể, đồng thời đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm. Cũng cần nói rằng để đạt được mục tiêu nói trên, ngoài sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, các thành viên Ban tổ chức, còn có sự đóng góp của mỗi người dân với việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khi hành hương về Đất Tổ.
Với ý nghĩa đó, có thể nói tham gia Ngày Giỗ Tổ một cách có văn hóa không chỉ là thể hiện tấm lòng thành kính với tiền nhân, một trong những biểu tượng sinh động, đẹp đẽ nhất của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần