Không nên tạo dư luận, gây tranh cãi
Gần đây, nhà nghiên cứu tự do Vũ Kim Lộc đăng tải trên mạng xã hội những băn khoăn về hình tượng mặt trời ở Khuê Văn Các.
Cụ thể, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc có đưa thông tin: “Mặt trời hiện nay trên đỉnh Khuê Văn Các có khác thường. Khác thường ở chỗ có khoảng trống hình tròn ở giữa mặt trời, và khoảng trống đó tại bề mặt của vòng tròn còn tồn tại hai vật thể trông như hai mảnh vỡ nhỏ có màu đỏ vẫn còn dính lại”.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cũng so sánh hiện trạng này với hình tượng mặt trời trên các kiến trúc ở TP Huế (điện Thái Hoà, Ngọ Môn, cung Thọ Ninh) không có khoảng trống ở giữa, tất cả đều được gắn bịt kín bằng một vật liệu.
“Khoảng trống ở giữa mặt trời trên Khuê Văn Các chắc chắn là được bịt kín và 2 vật thể màu đỏ trông như 2 mảnh vỡ rất có thể là miếng bịt bằng thủy tinh màu đỏ đã bị vỡ còn sót lại” - nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc khẳng định.
Với chuyên môn của người nghiên cứu về biểu tượng Mặt Trời – Hoa Cúc, một tượng trưng vương quyền của các triều đại, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đề nghị biểu tượng trên cần được trả lại tính nguyên bản.
Sau khi bài viết được đăng tải trên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến bàn luận, chia sẻ. Về sự việc trên, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho hay: Trước sự việc trên, chúng ta cần nhìn nhận vận đề một cách tổng thể. Theo tôi, thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị. Biểu tượng mặt trời trên Khuê Văn Các là một chi tiết nhỏ trong tổng thể di tích này. Có thể lâu ngày, biểu tượng do tác động của các yếu tố có thể bị nứt vỡ.
Các nhà nghiên cứu khi nhìn nhận ra sự việc có thể nhắc nhở với cơ quan quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám có giải pháp nghiên cứu, khắc phục. Tôi cho rằng, vấn đề này không nên tạo ra những tranh cãi về việc có hay không phần kính đỏ ở giữa và nâng quan điểm thành những chuyện phức tạp.
Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được xem xét tu bổ, cơ quan quản lý sẽ có trách nhiệm phát huy giá trị di sản một cách bền vững”.
Đã có dự án tu bổ
Hiện nay, Khuê Văn Các là hạng mục đang bị xuống cấp ở nhiều mức độ, ở nhiều vị trí; ở cả mức độ vật liệu, cấu kiện và cấu trúc, ảnh hưởng đến an toàn, thẩm mỹ và phát huy giá trị di tích.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu: Việc tu bổ Khuê Văn Các và các hạng mục liên quan với công trình này là rất cần thiết, nhằm ngăn chặn những hư hỏng đang diễn ra, đảm bảo cho công trình quan trọng này tồn tại bền vững, bảo tồn những giá trị đặc sắc và tạo những điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy tối đa giá trị vốn có trong cuộc sống đương đại và tương lai.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Sở VH&TT Hà Nội đã báo cáo, đề xuất UBND TP trình HĐND đưa dự án tu bổ Khuê Văn Các vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và được thông qua tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp TP.
Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND, ngày 18/10/2022, UBND TPHà Nội ban hành Quyết định số 3915/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích thuộc Thành phố quản lý trong đó có dự án Tu bổ Khuê Văn Các.
Thực hiện Quyết định của UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ Khuê Văn Các thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hiện nay, báo cáo đang được Sở KH&ĐT thẩm định, sau đó lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để trình HĐND TP vào kỳ họp sắp tới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.