Phương tiện
Bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, văn học, điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa… đặc biệt là điện ảnh, đều cần mang theo vào tác phẩm những hình ảnh biểu tượng. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lý giải: "Hình ảnh trở thành một biểu tượng khi nó ôm chứa được những vỉa tầng ý nghĩa sâu xa hơn bản thân mình.Biểu tượng, bởi thế vừa là một sự chưng cất của hình ảnh qua tâm hồn nghệ sĩ, vừa là một sự nới lỏng, một sự giãn nở biên độ của hình ảnh qua những mối liên kết với nhân vật, tình huống, văn hoá và các hình ảnh khác…".
Qua kinh nghiệm làm phim, nhiều đạo diễn còn khẳng định, biểu tượng còn có khả năng nối kết và tập hợp những yếu tố riêng rẽ, đôi khi trái ngược trong tác phẩm. Nó giống như sợi dây nối liền thực và mộng, vô thức và ý thức.
Cảnh trong phim "Vua bãi rác" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Người đạo diễn sử dụng biểu tượng như một phương tiện hữu hiệu để gây dựng một thế giới mới của riêng mình. Do đó, biểu tượng có ý nghĩa không nhỏ đối với một tác phẩm điện ảnh, tạo nên chiều sâu tác phẩm và cũng ghi dấu ấn cá tính của đạo diễn. Đạo diễn, nhà phê bình văn học Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: "Hầu như những tác phẩm nào thể hiện rõ tính biểu tượng cũng tạo ra những bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời tôi.
Chính sự biểu tượng hoá đã tạo nên một chiều kích mới vào tình cảm, cuộc sống của người xem. Mà một khi mọi sự vật qua lăng kính nhận thức, đều có sự biến hoá và có sự tiếp nhận những ý nghĩa mới".
Chính vì vậy, các nhà làm phim cho rằng, nếu biết sử dụng biểu tượng như một lợi thế, thì các đạo diễn điện ảnh sẽ phá bỏ được rào cản và những yếu thế về kịch bản, diễn xuất, lời thoại… trong tồn tại như một lối mòn trong phim Việt hiện tại.
Kinh nghiệm của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Có thâm niên trong làng điện ảnh, phải nói rằng, mỗi đứa con tinh thần của "Vua bãi rác" Đỗ Minh Tuấn đều mang biểu tượng riêng. Ông nói, điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, bộ phim hay không chỉ ở ý tưởng mà còn phụ thuộc vào cảnh quay, diễn biểu, đạo cụ… "Tác phẩm đầu tay của tôi là "Ngọn đèn trong mơ".
Lúc đầu, tôi nhận kịch bản của anh Lê Ngọc Minh, nó chỉ như một biên bản cuộc họp dạng đấu tranh chống tiêu cực. Tôi không thỏa mãn với kịch bản đó, và tôi đã đi tìm lối ra.
Cuối cùng, tôi chọn được biểu tượng ngọn đèn vạn niên cho nhân vật chính. Trong đó, nó được ghép nối, xoắn vặn, pha trộn một cách logic". Nghĩa là, người đạo diễn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kịch bản, mà cần tư duy để nhào nặn một biểu tượng có sức nặng.
Song, biểu tượng trong phim phải được tạo nên từ logic của tư duy, của đời sống, để tạo được cảm giác chân thật và ấn tượng mạnh đối với khán giả. Ví như trong phim "Vua bãi rác", Đỗ Minh Tuấn đã cho người xem thấy biểu tượng "Văn hóa tái sinh".
Hình ảnh khi trả những phi công Mỹ về nước, ta tặng họ mỗi người một mảnh tên lửa Tê-ra làm từ xác máy bay. Qua đó thể hiện văn hóa tái sinh từ rác thành cái khác. Hơn nữa, "Phim này tôi không nói về cái nghèo mà nói tới thái độ về cái nghèo. Xây dựng được biểu tượng như thế, cần đầy đủ vật liệu, đạo cụ.
Nhưng có những cái mình muốn mà không làm được.
Ví dụ, tôi muốn có hình ảnh núi xích lô, nhưng chỉ mượn được 10 chiếc nên phải dùng kỹ xảo. Biểu tượng văn hóa tái sinh đã giúp bộ phim thành công hơn mong đợi” - đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết. Thành công trong việc xây dựng biểu tượng tái sinh đã giúp “Vua bãi rác” trở thành bộ phim đầu tiên của Việt Nam đủ tiêu chuẩn dự Oscar năm 2004 và được chiếu 7 ngày thương mại ở Mỹ.
"Nhắn gửi" những kinh nghiệm làm phim, vị đạo diễn này còn "khoanh tròn" sự chú ý vào dấu vết thời đại khi nhào nặn chất liệu theo khung biểu tượng, để ở đó có chất liệu đời sống và được pha trộn cảm xúc, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ. Đây là lời giải mã cũng là lời gợi ý cho những bộ phim có chiều sâu đời sống cũng như nghệ thuật.