Big C mở đơn hàng cho 50 doanh nghiệp
Xung quanh sự việc Big C dừng nhập hàng dệt may Việt Nam, sáng 4/7, Bộ Công Thương đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị đã mua và có quyền sở hữu Big C tới làm việc về vấn đề dừng tiêu thụ hàng dệt may do DN Việt Nam cung ứng. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương đánh giá cao những đóng góp của Big C về tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách; giúp nông sản Việt Nam trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng; chương trình hỗ trợ nông dân vùng sâu, vùng xa, các tuần lễ nông sản địa phương, các Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài.… Tuy nhiên, Bộ Công Thương kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các DN và người tiêu dùng Việt Nam. “Việc giải quyết của Big C với 200 DN cung ứng hàng dệt may cần được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ các quy định khác theo pháp luật Việt Nam” - ông Hải nêu rõ.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga thông tin thêm: Ngay tại buổi làm việc Big C cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam, và trong 2 tuần tới sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng; 50 nhà cung cấp còn lại sẽ phải làm việc kỹ hơn, do chưa bảo đảm được những cam kết theo hợp đồng đã ký. Big C cam kết tuân thủ đúng với hợp đồng đã ký kết với các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên để bảo vệ hàng Việt, trong thời gian Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với BigC và các DN dệt may để đảm bảo quyền lợi của các DN FDI cũng như các DN dệt may trong nước.
Cũng tại buổi làm việc sáng 4/7, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm và đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam đã ký biên bản nguyên tắc 2 bên có sự hợp tác, nếu DN dệt may Việt Nam gặp vấn đề tương tự, Hiệp hội giải quyết phục vụ lợi ích của DN dệt may.
Phải chăng Big C ép hàng Việt
Người tiêu dùng mua hàng dệt may tại big c |
Mặc dù Big C cam kết ngay trong ngày 4/7 mở lại đơn hàng cho một số DN dệt may Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có sự phản ứng của DN, các cơ quan truyền thông thì đây chính là hành động “lật kèo” gạt DN Việt Nam khỏi hệ thống phân phối. Bởi Central Group là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu lớn, tại Việt Nam, tập đoàn này cũng sở hữu một số thương hiệu như Big C, Nguyễn Kim, Lanchi Mart... việc gạt DN dệt may Việt Nam khỏi Big C là để dành diện tích cho Nguyễn Kim mở rộng diện tích bán hàng.
Phân tích việc Big C dừng nhập hàng dệt may Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Luật Cạnh tranh quy định, nếu không có lý do chính đáng DN bán lẻ không được từ chối tiếp nhận hàng hóa từ đơn vị cung ứng, nếu tạm ngừng thì sẽ vi phạm Luật cạnh tranh. Trước đó, năm 2016 thời điểm Central Group mua lại hệ thống BigC đơn vị này đã tỏ rõ quan điểm luôn ưu tiên hàng Việt Nam nhưng sau một thời gian hoạt động thì lời tuyên bố này đã trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cần làm rõ hành động này của BigC mang mục đích gì? “Rất có thể mục tiêu của Big C là đẩy hàng Việt Nam ra để nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập, bởi Tập đoàn Central Group (DN sở hữu hệ thống siêu thị Big C) đến từ Thái Lan nên sẽ có những ưu ái nhất định đối với hàng Thái. Thực tế, tại hệ thống siêu thị này hàng may mặc chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 20% cơ cấu hàng hóa. Bên cạnh đó BigC bắt đầu xem xét lại những nhà cung ứng về may mặc có thể đáp ứng được nhu cầu của họ như mức chiết khấu cao, có thể tạo lợi ích cho họ ở mức thỏa đáng” - ông Long phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú kiến nghị: Để bảo vệ DN và hàng Việt, các cơ quan chức năng và Hiệp hội DN bán lẻ cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nếu có vi phạm Luật Cạnh tranh thì bên cạnh những chế tài và biện pháp quyết liệt cũng cần có ứng xử một cách kịp thời. Nếu chúng ta không xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh theo đúng pháp luật thì những sự việc như trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và tiếp tục gây hại cho hoạt động sản xuất của DN Việt Nam. Ngoài ra cơ quan quản lý cũng phải sửa đổi một số chính sách liên quan đến ưu đãi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ bởi một số chính sách của Việt Nam hiện đang quá ưu ái DN FDI, chưa quan tâm đúng mức đến DN Việt; điều này khiến DN Việt thất thủ trên sân nhà và trở thành người làm thuê cho DN FDI.