Bình đẳng giới - khó từ trong gia đình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bình đẳng giới (BĐG) ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và thể hiện qua việc có nhiều chính sách, văn bản về vấn đề này được ban hành... nên vai trò của phụ nữ ngày nay đã được khẳng định hơn trước…

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Hoàng Kim Thanh (Khoa Văn hóa học, trường ĐH Văn hóa Hà Nội), chuyên gia về BĐG cho rằng: Chính trong mỗi gia đình, BĐG chưa có kết quả như mong muốn cũng bởi sự thấu hiểu còn nhiều điều đáng nói.

Vị thế ngoài xã hội của nhiều phụ nữ đã được khẳng định, tuy nhiên, qua nhiều con số thống kê cũng như nghiên cứu, tiềm năng của phụ nữ vẫn chưa được phát huy do định kiến. Chị nhận định thế nào về ý kiến này?

- Ai cũng nhận thấy vị thế ngoài xã hội của người phụ nữ ngày nay đã được nâng cao so với trước rất nhiều. Nhưng phân tích một vài con số thống kê giới trong lĩnh vực tham chính thì chúng ta sẽ thấy vẫn có khoảng cách giới mà chúng ta cần rút ngắn hơn nữa. Ví dụ: Phụ nữ chiếm khoảng 50% dân số, nhưng hiện nay tỷ lệ nữ  tham gia vào các hoạt động quản lý vẫn chiếm con số không lớn, chưa thể hiện được vị trí của người phụ nữ trong việc tham gia và quyết định những vấn đề của cộng đồng xã hội. Có sự bất bình đẳng đó là do nhiều nguyên nhân, nhưng phần cơ bản nhất vẫn là do các định kiến giới gây ra.

Nhưng thưa chị, phụ nữ dù thành đạt đến mấy vẫn phải gánh thêm công việc gia đình như một sự đương nhiên, là thiên chức. Bởi dù nam giới công nhận phụ nữ được bình đẳng nhưng họ rất ít khi giúp vợ việc gia đình?

Bình đẳng giới -  khó từ trong gia đình - Ảnh 1

Phụ việc nhà với vợ cũng là niềm vui của nhiều người chồng. Ảnh minh họa

- Phụ nữ phải làm việc gia đình, được xã hội quy định ngàn xưa, truyền từ đời này sang đời khác và neo chắc vào tiềm thức của chúng ta đến mức người ta lầm tưởng đó là "thiên chức". Muốn "giải phóng" phụ nữ, để họ tham gia công tác xã hội, người nam giới phải chia sẻ công việc gia đình hoặc tìm sự hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội. Nếu không, phụ nữ phải "gánh nặng hai vai" và xã hội đang khoét sâu vai trò giới, sẽ rất khó đạt được sự BĐG trong gia đình. Tôi cho rằng khẩu hiệu "giỏi việc nước đảm việc nhà" nên tặng cho cả nam giới chứ không chỉ dành cho phụ nữ như hiện nay. 

Hiện, tỷ lệ phụ nữ phải chịu nạn bạo hành vẫn tăng. Theo chị, liệu có cách nào để chị em được bình đẳng ngay trong cuộc sống hàng ngày?

- Bạo lực giới và bạo lực gia đình đang là một vấn nạn xã hội có căn nguyên từ sự bất bình đẳng về quyền lực giữa phụ nữ và nam giới, dẫn đến tình trạng nam giới thống trị và phân biệt đối xử với phụ nữ. Bạo lực giới khó thay đổi. Việc thúc đẩy BĐG là cách mà chúng ta đang góp phần giải quyết vấn đề từ trong căn nguyên của nó.

Thực ra, nguyên nhân bất BĐG còn xuất phát từ chính các chị em phụ nữ, vốn rất hay lên án (vì bị chịu thiệt) nhưng lại không vượt qua được định kiến của chính bản thân mình. Đó chính là thái độ tự ti, cho rằng mình là phái yếu cần dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên để khẳng định bản thân.

Dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng trên thực tế, từ "kêu gọi" đến "thay đổi" là một chặng đường dài.  Vậy theo chị, cả hai giới phải làm gì?

- Thực tế BĐG trong luật, trong chính sách và BĐG trong thực tế đang còn khoảng cách khá xa. Để đạt được kết quả thực là trách nhiệm của Chính phủ, của cộng đồng xã hội và của cả hai giới. Trong sự nghiệp này phụ nữ và nam giới phải sát cánh bên nhau để thực hiện và hãy bắt đầu thay đổi các định kiến giới trong mỗi con người, bình đẳng từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng, quan hệ xã hội và thực hiện tốt những biện pháp bảo đảm BĐG đã được quy định rõ ràng trong luật… 

Xin cảm ơn chị!

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần