Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình đẳng giới tuổi nghỉ hưu: Tính toán theo đặc thù công việc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/10, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thảo tham vấn “Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động” (BLLĐ). Các ý kiến chuyên gia cho rằng, dự thảo BLLĐ sửa đổi đưa ra nhiều quy định mang tính nhân văn nhưng họ không đồng tình tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam.

Giảm cách biệt tuổi nghỉ hưu để bình đẳng giới

Nêu những nội dung cơ bản về thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo BLLĐ sửa đổi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH Hà Đình Bốn nhấn mạnh: Những quy định bất cập, chưa phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế thì phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện để sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như cách biệt 5 năm trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ… Do đó, trong dự thảo BLLĐ sửa đổi, Bộ LĐTB&XH nêu rõ, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Đồng thời đề xuất 2 phương án: Phương án 1 kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

 Nữ công nhân làm việc tại một công ty cơ khí ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất này của Bộ LĐTB&XH khi vấn đề bình đẳng giới được đặt ra từ năm 1945 và đã thấm vào ý nghĩ của từng người Việt Nam. Hơn nữa, Hiến pháp đã quy định rõ mọi người được bình đẳng về quyền làm việc.

"Việc sửa đổi BLLĐ lần này là cơ hội để chúng ta xem xét, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới”.- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà 

Từ quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội đặt vấn đề: “Tại sao thời buổi văn minh, cách mạng công nghiệp 4.0 mà vẫn có sự chênh lệch tuổi lao động giữa nam và nữ. Cơ sở nào mà Bộ LĐTB&XH đưa ra tuổi nghỉ hưu của lao động nữ 60, nam 62? Tôi thấy, về cơ sở khoa học hoàn toàn không có, nhất là khi tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới 3 tuổi, được đào tạo bài bản” – bà An đề nghị tiếp cận quyền của phụ nữ và nam giới như nhau. 

Còn nhiều quan điểm khác nhau

Kể về câu chuyện bình đẳng giới tại DN, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte, cho hay, 3 năm gần đây, DN này đã đưa ra quy định chấm điểm về báo cáo phát triển bền vững của DN, trong đó bình đẳng giới là một tiêu chí. “Bình đẳng giới mà chúng tôi hướng đến rất đơn giản. Đó là bình đẳng trong cơ hội việc làm, học tập, thăng tiến, phát triển. Cái gốc của bình đẳng giới đó là tuổi lao động nam và nữ bằng nhau” – bà Thanh nhấn mạnh. Với vai trò là Chủ tịch mạng lưới các DN hỗ trợ thúc đẩy quyền năng phụ nữ, bà Thanh cho rằng, khi phụ nữ có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn, sức khỏe được cải thiện và tuổi thọ tăng sẽ là cơ hội làm việc tại DN nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa, họ có cơ hội bằng nhau về cống hiến, phát triển, thăng tiến… Bình đẳng giới trong tuổi làm việc và cơ hội thăng tiến sẽ giúp NLĐ phát triển, từ đó tạo ra giá trị cho DN cũng như giữ được NLĐ giỏi.

Trao đổi về đề xuất tuổi nghỉ hưu trong dự thảo BLLĐ sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Hiện nay có rất nhiều quan điểm về bình đẳng. Gốc của chúng ta, nữ giới được ưu tiên nghỉ hưu trước nam giới 5 năm. Nếu hiện nay áp ngay tuổi nghỉ hưu bằng nhau là 60 hoặc 62, chưa chắc đã bình đẳng bởi phụ nữ còn có thiên chức gia đình. Đề xuất đưa ra trong hội thảo này vẫn chỉ là phương án để nghiên cứu, xem xét. Vấn đề quan trọng là tạo điều kiện để phụ nữ có được quyền nghỉ sớm hơn 5 năm, 2 năm, đó là điều chúng ta đang mong muốn.

Trước những băn khoăn về NLĐ làm việc trong các ngành nghề khác nhau, ông Lợi cho rằng, cần có tính toán cụ thể. Chúng ta cần hướng đến mục tiêu ngành nghề nào có điều kiện và sức khỏe tốt hơn thì có thể kéo dài thời gian làm việc. Những ngành nghề rất khó khăn, lao động trong điều kiện không tốt thì phải giảm bớt thời gian làm việc để sức khỏe không bị sa sút quá nhiều.