Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương.rn

 Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF - 26 Nguyễn Thị Kim Ngân
Sáng 18/1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26) đã diễn ra Phiên họp Nữ nghị sĩ. Chủ trì phiên họp gồm có Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF - 26 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức APPF - 26 Tòng Thị Phóng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng hơn 80 nghị sĩ đến từ 23 Nghị viện thành viên APPF. Đặc biệt, phiên họp còn có sự tham dự của ông Saber H. Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU.
Tại phiên họp, đã có 17 tham luận của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF. Các ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với phát triển bền vững và thịnh vượng, sự cần thiết của thúc đẩy bình đẳng giới ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học thành công về bình đẳng giới cũng như các khó khăn, thách thức mà phụ nữ phải đối mặt; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để mỗi đại biểu có thể tìm thấy những điểm chung để nghiên cứu, học hỏi, đưa ra tiếng nói chung, quyết tâm chung và phối hợp hành động vì các mục tiêu chung.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF - 26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam và các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.

Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị nữ Nghị sĩ là “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung” với mong muốn đây là diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, thể chế hóa trong pháp luật quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ - một cơ chế chưa chính thức trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu dẫn đề phiên họp, bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế.

Trong đó, các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng, đó là: thực hiện vai trò đại diện, trước hết là bảo vệ quyền của phụ nữ, quyền trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về pháp lý bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia.

Các nữ nghị sỹ tham gia vào các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, và trên mọi lĩnh vực; tham gia quyết định ngân sách, đảm bảo ngân sách có yếu tố giới; giám sát việc thực hiện các luật, chính sách có liên quan và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.

Thay mặt đoàn Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày tham luận, trong đó khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận chủ động đối với vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó không chỉ là vấn đề công bằng xã hội mà còn là một phương tiện hiệu quả để thu hút triệt để tiềm năng của phụ nữ cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Thái độ chủ động này đã được phản ánh một cách nhất quán cả trong và ngoài nước.

Quốc hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để có những biện pháp khác nhau và đạt được những kết quả đáng kể trong lĩnh vực này. Cụ thể như: nhận thức về bình đẳng giới đã được nâng lên đáng kể; bình đẳng giới và quyền của phụ nữ đã được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật khác nhau, bao gồm Hiến pháp, Luật bình đẳng giới, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…; lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật ngày càng được quan tâm; một số Mục tiêu thiên niên kỷ đã đạt được trước thời hạn, bao gồm mục tiêu về bình đẳng giới; khoảng cách giới về y tế, giáo dục, việc làm và giảm nghèo đã được thu hẹp rõ rệt.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả thực hiện.Vì vậy, để thúc đẩy vấn đề này, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến như: thành lập Nhóm nữ nghị sĩ; tổ chức các khoá đào tạo và các chương trình nâng cao nhận thức để khuyến khích phụ nữ đủ trình độ tham gia Quốc hội; trang bị cho các nữ đại biểu các kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc một cách hiệu quả…
 Toàn cảnh phiên họp sáng 18/1
Để nâng cao vai trò của Nghị viện trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đại diện Đoàn Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị như: Nâng cao vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy triển khai có hiệu quả Chương trình nghị sự SDG 2030; xem xét và quyết định ngân sách quốc gia có trách nhiệm giới nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các SDG;
Thông qua các luật để cải thiện hơn nữa khung pháp lý liên quan đến vấn đề giới và tôn trọng các cam kết quốc tế có liên quan; tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách và quy định liên quan, lồng ghép giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tham vấn phụ nữ để đảm bảo tiếng nói của tất cả các nhóm phụ nữ được lắng nghe, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển bền vững và thịnh vượng bao trùm;
Thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sĩ trong các nghị viện thành viên APPF và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, coi phụ nữ là động lực thúc đẩy và là mục tiêu của phát triển bền vững.

Cũng trong phiên họp, trên cơ sở đề xuất của đại diện Nghị viện Nhật Bản, các đại biểu đã thảo luận, nhất trí với đề nghị bổ sung cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF trong Quy chế hoạt động mới của APPF. Các nghị viện thành viên sẽ cử đại diện tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình hoàn thiện văn bản tại Ủy ban soạn thảo để Quy chế này được thông qua tại Phiên họp thứ 4 của Diễn đàn APPF - 26.

Kết luận phiên họp, thay mặt Chủ toạ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định phiên họp này rất có ý nghĩa, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của APPF, đặc biệt đã thể hiện sự đồng thuận cao về việc chính thức hóa phiên họp Nữ nghị sĩ tại mỗi kỳ họp thường niên của APPF bằng việc bổ sung Quy chế APPF.
Đồng thời, Phó chủ tịch thường trực tin tưởng rằng, Hội nghị thường niên của APPF sẽ đáp ứng kỳ vọng của các nữ nghị sĩ trong khu vực về một cơ chế hữu hiệu trao đổi, thảo luận, góp phần giải quyết những vấn đề các nữ nghị sĩ trong khu vực quan tâm. Đối với 5 dự thảo Nghị quyết liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới, Phiên họp thống nhất giao cho Nhóm công tác về các vấn đề bình đẳng giới của APPF - 26 thảo luận chi tiết về nội dung của các dự thảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần