Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Định phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hào khí Tây Sơn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, phát triển dựa vào sức mình là chính, chủ động, sáng tạo. Để từ đó, vận dụng vào công tác, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng với khí thế Tây Sơn.

Chiều 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giải quyết kiến nghị nhằm hỗ trợ Bình Định phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19, GRDP của tỉnh năm 2021 tăng 4,43%, nhưng năm 2022 tăng 8,57% - đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay và cao hơn mức tăng 8,02% GDP của cả nước. 

Bình Định đang hướng tới năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 bình quân từ 8,5% trở lên. Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương cho chủ trương, cơ chế về một số nội dung, dự án lớn để phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và đạt được kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng bởi Bình Định đã chủ động phát triển hạ tầng; thực hiện tốt phương thức hợp tác công tư trong một số dự án như trong đầu tư bệnh viện đa khoa tỉnh; chủ động có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp...

Người đứng đầu Chính phủ còn chỉ rõ những tiềm năng lợi thế, những khó khăn thách thức của tỉnh Bình Định. Qua đó, yêu cầu tỉnh này tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Trong đó, phải chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính. Về hạ tầng chiến lược phải chú ý phát triển hàng không, đầu tư Cảng hàng không Phù Cát, các tuyến cao tốc kết nối, hệ thống cảng biển...

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Định, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Định giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết các đề xuất phải trên cơ sở bối cảnh chung của cả khu vực, toàn quốc và đúng quy định. Nếu khó khăn, vướng mắc do quy định thì các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Thủ tướng cũng đề nghị Bình Định kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư vừa giảm đầu tư của Nhà nước vừa huy động được các nguồn lực xã hội vào đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển hiệu quả dự án.

“Bình Định cần bám sát tình hình thực tiễn để phản ứng chính sách tốt hơn; phát huy tinh thần tự lực, tự cường với khí thế Tây Sơn; tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tin tưởng, Bình Định phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn quân áo vải Tây Sơn bách chiến bách thắng vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX “Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung”.