Ngày 30/10, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão lũ. Theo đó, tỉnh đã huy động lực lượng quân đội, công an túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Hiện Bình Định đang tập trung sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát... đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn. Các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.
Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 5h ngày 30/10/2019, trên địa bàn còn 418 tàu cá với 5.050 lao động còn đang hoạt động trên biển.
Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 111 tàu với 820 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa 118 tàu với 2.626 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc 16 tàu với 111 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam 36 tàu với 302 lao động và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 137 tàu với 1.191 lao động.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa, lũ với các nội dung chính như: An toàn tàu thuyền, cấm tàu ra biển hoạt động khi có gió mạnh, ứng phó với các tình huống mưa lũ có thể xảy ra trên địa bàn.
Các huyện, TP dự trữ và vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết; nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông (riêng huyện đảo Lý Sơn phải đảm bảo ít nhất 15 ngày).
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 30/10 - 1/11/2019, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 5), ở vùng biển Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2,5 - 4,0m.
Trên toàn tỉnh khả năng có mưa to đến rất to, các sông sẽ xuất hiện lũ ở mức báo động 3 và trên báo động 3; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp.