Bình Định sẽ xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bình Định sẽ xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn thiện thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Ngày 13/3, thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Phạm Anh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Các thủ tục đấu thầu và triển khai lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước ngày 31/3/2023.
Các thủ tục đấu thầu và triển khai lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước ngày 31/3/2023.

Theo đó, các thủ tục đấu thầu và triển khai lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước ngày 31/3/2023. Quá thời hạn nêu trên, giao Sở KH&ĐT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn đã phân bổ sang cho các dự án có tiến độ triển khai dự án tốt.

Đến ngày 30/6/2023, cần đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất từ 40% đối với tất cả các nguồn vốn và đến ngày 30/9/2023 tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn giao. Dự án nào chưa đạt theo các mốc nêu trên sẽ tiến hành điều chuyển vốn sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đối với kế hoạch vốn năm 2022 (nguồn ngân sách địa phương) còn lại kéo dài sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện, Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công.

Đối với các dự án khởi công mới năm 2023 đã được giao kế hoạch: Cam kết tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được giao thực hiện trong năm về UBND tỉnh theo từng tháng và các thời điểm 30/6/2023, 30/9/2023 và 31/12/2023, làm cơ sở để điều hành nguồn lực về đầu tư công

Các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo công tác tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án nhằm đảm bảo tiến độ dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện dự án, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn thiện thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Kịp thời báo cáo, trình UBND tỉnh (thông qua Sở KH&ĐT) điều chỉnh kế hoạch vốn được giao nếu trong trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư năm 2023 đã giao cho đơn vị mình thực hiện.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, tính đến ngày 1/3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hơn 1.113 tỷ đồng, đạt 12,49% kế hoạch năm. Bình Định nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn tư công đạt trên 10%. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần