Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Định tổ chức sơ tán dân khỏi vùng trọng yếu tránh bão Noru

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định khẩn trương tổ chức sơ tán dân ở vùng có nguy cơ gió mạnh của bão, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn trước khi bão Noru (bão số 4) tiến vào đất liền.

Chiều 27/9, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN và PTDS) tỉnh Bình Định đã có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các sở, ban, ngành; Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ nhằm phòng, chống bão Noru.

Ngư dân Bình Định di dời ghe thúng đến nơi an toàn tránh trú bão Noru.
Ngư dân Bình Định di dời ghe thúng đến nơi an toàn tránh trú bão Noru.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định từ ngày 27 - 28/9, ở khu vực Bình Định có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến ở các huyện (An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh) từ 150-300mm, có nơi trên 350mm; các huyện (Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn) từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và nhà nước, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các sở, ban, ngành và Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS huyện, thị xã và thành phố khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ gió mạnh của bão, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn.

Đối với các ngư dân trên các lồng bè, trên thuyền đánh cá vào nơi neo đậu phải rời vị trí đến nơi trú tránh an toàn. Hoàn thành các nội dung nêu trên trước 15 giờ 00 ngày 27/9.

Lực lượng chức năng tổ chức chặt hạ cây to trước bão Noru.
Lực lượng chức năng tổ chức chặt hạ cây to trước bão Noru.

Cùng ngày, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra tình hình tại một số nơi trọng yếu. Tại khu neo đậu của tàu thuyền tại cảng cá Tam Quan Bắc, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi diễn biến, đường đi của bão số 4. Đồng thời, đề nghị các ngư dân Bình Định chủ động bảo vệ tài sản, neo đậu tàu thuyền đến nơi an toàn.

Kiểm tra tại núi Gai, thôn Trà Cong, xã An Hoà, huyện An Lão, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu khẩn cấp di dời 178 hộ trong vùng nguy hiểm. “Mưa to sẽ gây lụt và sạt lở. Đặc biệt, tại các điểm sạt lở, các anh phải sống chết di dời bà con ngay” - ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo.

Ông Phạm Anh Tuấn kiểm tra vùng trọng yếu trước khi bão Noru vào đất liền.
Ông Phạm Anh Tuấn kiểm tra vùng trọng yếu trước khi bão Noru vào đất liền.

Tại 2 xã ven biển Mỹ Đức, Mỹ An, huyện Phù Mỹ, ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ huy động lực lượng hỗ trợ di dời ngay các hộ dân có nhà sát biển và số lượng tàu thuyền đang ở mép biển đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, sử dụng bao cát đắp bờ ngăn nước biển vào khu dân cư, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện, Bình Định đã lên phương án di dời 65.000 người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt do bão gây ra.

Tuy nhiên, số lượng người dân di dời có thể biến động so với mức độ rủi ro của bão gây ra, nhưng các lực lượng vẫn chủ động nắm bắt diễn biến đi đường đi của bão để lên phương án di dời người dân nhanh nhất đến nơi an toàn để tránh trú bão.

Theo ông Hồ Đắc Chương, tính đến 12 giờ ngày 27/9, qua kiểm đếm có 3 tàu cá với 26 lao động của Bình Định đang ở vùng nguy hiểm. Ngành chức năng liên lạc với chủ tàu, gia đình tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng, nguy hiểm của bão.