Ngày 6/4, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm triển khai hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, tỉnh Bình Dương đã công bố đường dây nóng để người dân gặp khó khăn có thể phản ánh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp số điện thoại đường dây nóng và danh sách bộ phận thường trực để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn liên quan đến Chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bình Dương người mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội muốn tiếp cận vốn vay nhưng gặp khó khăn, vướng mắc có thể liên hệ qua đường dây nóng cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh theo 2 số điện thoại: Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc 0918.258.638 và ông Lê Quang Nam, Chánh Thanh tra 0989.006.755.
Thông qua đường dây nóng nhằm giải đáp và giải quyết những vướng mắc cho tổ chức, người lao động thu nhập thấp, doanh nghiệp nào muốn tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng.
Ưu tiên của gói tín dụng này dành cho người vay mua nhà ở xã hội, đồng thời cũng hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc cải tạo chung cư cũ được vay gói tiền hỗ trợ này.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4 dự án xây dựng nhà ở xã hội được tỉnh phê duyệt danh mục vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mức giá ưu đãi lãi suất từ 1,5 đến 2% tùy từng dự án gồm:
Dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp, Thành phố Dĩ An do Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư;
Dự án Khu nhà ở xã hội An Sinh thuộc Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (giai đoạn 1), phường Chánh Mỹ, Thành phố Thủ Dầu Một, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư;
Dự án Khu nhà ở xã hội liền kề thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò, xã An Điền, Thị xã Bến Cát do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư;
Dự án Khu nhà ở xã hội liền kề thuộc dụ án Khu nhà ở thương mại Thuận Lợi 2, Thị xã Bến Cát do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Tổng sản phẩm nhà ở xã hội của 4 dự án trên là gần 2.400 căn với nhu cầu vay vốn hơn 1.200 tỷ đồng.
Với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, Bình Dương có hơn 1,6 triệu lao động, do đó nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân, người lao động thu nhận thấp là vô cùng lớn. Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, tính đến nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội độc lập trên diện tích 140 ha đất với gần 1,4 triệu mét vuông sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn hộ. Trong năm 2024 tỉnh phấn đấu mục tiêu phát triển từ 8000 - 10.000 căn nhà ở xã hội cho người lao động sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Với chương trình gói vay 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP, việc Bình Dương công bố đường dây nóng sẽ giúp người lao động, công nhân thu nhập thấp trên địa bàn dễ tiếp cận các dự án nhà ở xã hội hơn để giải quyết nhu cầu thiết thực về nhà ở.