Chậm lại, để chuẩn bị tốt hơn
Sau hơn 3 tháng "gồng mình" chống dịch, "gánh" mọi loại chi phí, đến khi trở lại trạng thái "bình thường mới" thì người lao động ồ ạt... rủ nhau về quê khiến nhiều chủ doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán khó về nhân lực để phục vụ cho kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, là một doanh nhân lão luyện trên thương trường, ông Lý Ngọc Bạch - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TP Thuận An, Bình Dương), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương tỏ ra rất "bình tâm".Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Bạch chia sẻ, với các ngành hàng khác, việc thiếu nhân lực thực sự là một bài toán nan giải. "Người ta lo lắng nhiều lắm! Nhưng với ngành gốm sứ, thì tôi chia sẻ với anh em hội viên, tinh thần là “phải chấp nhận, chịu đựng thêm tí nữa để đi tới an toàn, vững chắc" - ông Bạch nói.Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương nêu quan điểm: Nếu trong lúc tình hình dịch bệnh còn chưa hoàn toàn được kiểm soát mà vội vã trở lại sản xuất, nhiều lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nếu không may xảy ra ca nhiễm phải dừng hoạt động là ảnh hưởng cả nhà máy, đơn hàng. Việc đó, khác nào "người đã yếu, còn gánh thêm bệnh"?. Chính vì vậy, theo ông Bạch, chủ trương của tỉnh Bình Dương là “An toàn để sản xuất – Sản xuất phải an toàn”, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về quản lý, phòng chống dịch tại doanh nghiệp là đúng đắn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu chậm trở lại hoạt động, doanh nghiệp có sợ lao động đi nơi khác không? Ông Bạch cho hay: Chậm ở đây phải hiểu là thời gian ngắn vì chúng ta đã cùng nhau chịu đựng thời gian giãn cách khá dài. Suốt thời gian này, người lao động của chúng tôi vẫn được hưởng đủ lương theo quy định. "Việc chậm trở lại hoạt động là cơ hội để anh chị em suy nghĩ, tìm hiểu và chuẩn bị tâm thế mới tốt hơn, đầy đủ hơn khi trở lại hoạt động sau nhiều ngày nhớ việc, nhớ nhà máy, nhớ đồng nghiệp..." - ông Bạch tự tin.
Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng sản lượng cấp nước Bình Dương không giảm so cùng kỳ, thực tế cho thấy tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh còn rất lớn (Ảnh minh hoạ: Duy Chí). |
Khởi động để tăng tốc
Không giấu niềm vui khi tiếp xúc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Nam Hưng - Tổng Quản lý Công ty TNHH Tung Long, chuyên sản xuất chỉ may các loại tại KCN Việt Hương 1 (TP Thuận An) nói: 83 ngày làm việc “3 tại chỗ” vừa qua là "kỷ niệm lịch sử" của công ty. "Từ “3 tại chỗ” mà anh em chúng tôi biết thế nào là yêu thương, chia sẻ và cũng từ đó, nâng cao hiểu biết, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, xem công ty như ngôi nhà lớn của mình" - ông Hưng chia sẻ. Vị Tổng Quản lý của doanh nghiệp cho biết thêm, Công ty Tung Long đã "giữ an toàn đến phút cuối" trước sự bao vây, "tấn công" dồn dập của đại dịch Covid-19. Điều đó chứng minh tinh thần quả cảm vượt khó của ban lãnh đạo cũng như toàn thể người lao động trong doanh nghiệp. "Dù quá trình thực hiện rất khó khăn, nan giải, nhưng qua đây, chúng tôi lớn lên về nhiều mặt, đặc biệt là về phương diện đảm bảo an toàn lao động và tổ chức sản xuất, giữ vững thị trường" - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, dịch Covid-19 không dù ảnh hưởng nặng nề đến các nhà máy vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên, thị trường miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ổn định sản xuất và có giá trị xuất khẩu là khá lớn. "Quá trình sản xuất “3 tại chỗ” công ty chỉ huy động 30% lực lượng vào sản xuất. Còn lại 70% ở lại nhà, nhưng vẫn được hưởng đủ lương theo quy định. Nay công nhân được trở lại làm việc có thể coi là sự phục hồi. Doanh nghiệp sẽ từng bước bắt nhịp, thích ứng với các biến động về thị trường giai đoạn hậu Covid này" - ông Hưng chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi thăm hoạt động "3 tại chỗ" tại chi nhánh Công ty cổ phần Tôn Đông Á, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. |
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH nhựa Chính Hiệp (KCN Việt Hương 1). Mặc dù Bình Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng trên 30 lao động của công ty vẫn quyết tâm thực hiện “3 tại chỗ” đến hết tháng 10. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, đó là nhằm để bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động. "Chi phí “3 tại chỗ” rất lớn, nhưng an toàn cho người lao động, mà an toàn cho người lao động thì doanh nghiệp đảm bảo việc duy trì hoạt động liên tục. Và duy trì hoạt động liên tục sẽ giúp chúng tôi khởi động nhanh hơn khi thị trường phục hồi..." - bà Trần Thị Mỹ Tiên - Giám đốc Công ty chia sẻ.