Bình Dương: Dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng 6%

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 11/10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2023. Dự kiến, năm 2023 GRDP tỉnh Bình Dương chỉ tăng 6%.

Toàn cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng dầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương. Ảnh: LA.
Toàn cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng dầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương. Ảnh: LA.

Theo báo cáo tại buổi họp báo, trong 9 tháng qua, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường như xung đột, cạnh tranh chiến lược gay gắt, lạm phát ở mức cao, suy giảm tăng trưởng, …dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình trên, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chỉnh phủ, các chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nên hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tương đối tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo; tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Về phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%); trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%. Dự kiến GRDP năm 2023 tăng 6,0% (kế hoạch 8,5-8,7%).

Về công nghiệp, sản xuất vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường, mạnh dạn chuyển đổi số nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 4,0% (cùng kỳ tăng 8,6%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 1,1%; công nghiệp chế biến tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước giảm 0,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,6%.

Các nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn đạt 2.003 tỷ đồng (bằng 55,5% so với cùng kỳ). Các khu công nghiệp đã cho thuê 10,3 ha đất và 45,1 nghìn m2 nhà xưởng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 590 triệu đô la Mỹ (chiếm 46% cả tỉnh). Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 1,3 tỷ đô la Mỹ, doanh thu đạt 22 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt 15,5 tỷ đô la Mỹ (chiếm 67,4% cả tỉnh).

Về thương mại – dịch vụ, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân nên không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá; các doanh nghiệp chủ động triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Do anh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, da giày. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ đô la Mỹ, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,9%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 16,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 14,8% (cùng kỳ giảm 1,6%).

Ở lĩnh vực nông nghiệp, diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, tỉnh chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương trả lời câu hỏi phóng viên dự họp báo. Ảnh: LA.
Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương trả lời câu hỏi phóng viên dự họp báo. Ảnh: LA.

Lĩnh vực tài chính – tín dụng, ước thu ngân sách đạt 44.080 tỷ đồng, đạt 59% dự toán HĐND tỉnh giao và 67% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 91% số thu năm 2022. Trong đó, thu nội địa 32.552 tỷ đồng, đạt 68% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 99% cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 11.528 tỷ đồng, đạt 57% dự toán HĐND tỉnh, bằng 75% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách thực hiện 15.126 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, tăng 40% so với cùng kỳ. Với tín dụng, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 282 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay ước đạt 302 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Nợ xấu là 4.407 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ.

Trong số 35 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường, đô thị đề ra trong năm 2023, đến nay có 19 chỉ tiêu đạt 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm. Trong những tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng để phấn đấu hoàn thành cao nhất có thể các chỉ tiêu đã đề ra.

Trước những kết quả đạt được, vẫn còn đó những khó khăn thách thức do diễn biến bất lợi, khó lường từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, như: sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến tích cực qua từng quý tuy nhiên khó đạt mục tiêu đã đề ra; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn; các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp...