Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: Đường Bạch Đằng nối dài - cung đường tuyệt đẹp dần thành hình

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đầu tư phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan, cải thiện bộ mặt TP Thủ Dầu Một, đường Bạch Đằng nối dài là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, là trục cảnh quan đô thị dọc bờ sông Sài Gòn. Khởi công tháng 8/2017, hiện công trình đang dần hoàn thiện.

Phối cảnh dự án, phía xa là cầu Phú Cường nối huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) - Bình Dương
Phối cảnh dự án, phía xa là cầu Phú Cường nối huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) - Bình Dương

Tháng 6/2011, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 1784/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng công trình đường Bạch Đằng nối dài, giao UBND TP Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án TP Thủ Dầu Một làm đại diện chủ đầu tư. Tới tháng 8/2017 dự án được khởi công.

Dự án đường Bạch Đằng nối dài có tổng chiều dài 970m, gồm một tuyến chính và hai tuyến nhánh, diện tích sử dụng đất gần 40 ngàn m2. Số tiền đầu tư cho dự án khoảng 650 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó chi phí xây dựng khoảng 434 tỷ đồng, còn lại là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng...

Phân đoạn đang thi công những hạng mục cuối cùng. Ảnh: Lâm Thiện.
Phân đoạn đang thi công những hạng mục cuối cùng. Ảnh: Lâm Thiện.

Đoạn đường này nối từ giao lộ Bạch Đằng - Ngô Quyền (phường Phú Cường) chạy dọc sông Sài Gòn, chui qua gầm cầu Phú Cường và kết thúc tại giao lộ Huỳnh Văn Cù - Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ).

Công trình có mặt đường mỗi bên rộng 7,5m cán nhựa, giải phân cách rộng 1,5m, hành lang một bên rộng 4m, có công viên đi bộ rộng rộng 15m chạy dọc bờ sông Sài Gòn; công viên gồm nhiều cây xanh, hạng mục tiểu cảnh, có hệ thống thoát nước, đèn đường chiếu sáng và đèn trang trí hiện đại.

Phân đoạn đã hoàn thành phần xây dựng. Ảnh Lâm Thiện.
Phân đoạn đã hoàn thành phần xây dựng. Ảnh Lâm Thiện.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ban quản lý dự án TP Thủ Dầu Một cho biết theo kế hạch ban đầu, công trình sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020. Nhưng vì dịch Covid-19 cũng như gặp một số vướng mắc về mặt bằng, và thực hiện một số nội dung phát sinh nên công trình phải tạm ngưng thi công một thời gian, không thể về đích như dự kiến. Đến nay, sau 5 năm, hiện công trình đang đi vào giai đoạn cuối, hoàn thiện những hạng mục sau cùng, trong năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Bề mặt công viên được gắn đá hoa cương, trang trí dòng kẻ. Ảnh Lâm Thiện.
Bề mặt công viên được gắn đá hoa cương, trang trí dòng kẻ. Ảnh Lâm Thiện.

Khi công trình đưa vào sử dụng kết nối với đường Bạch Đằng sẽ tạo nên trục cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn, trải dài từ bến đò Bạch Đằng đến cầu Phú Cường.

Đoạn đường góp phần cải thiện giao thông, giảm tải đường Huỳnh Văn Cù, thúc đẩy phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, cải thiện cảnh quan khu vực; là một trong những tuyến đường đẹp nhất Bình Dương, sông nước hữu tình, “trên bến dưới thuyền”; là điểm nhấn của TP Thủ Dầu Một, điểm lui tới thường xuyên của người dân mỗi sáng sớm và chiều tối để vui chơi giải trí.

Công nhân đang ốp đá hoa cương đoạn gần bến du thuyền. Ảnh: Lâm Thiện
Công nhân đang ốp đá hoa cương đoạn gần bến du thuyền. Ảnh: Lâm Thiện

Do đó, việc xây dựng tổ hợp công trình đường - công viên là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân TP Thủ Dầu Một, đặc biệt người dân phường Phú Cường và Chánh Mỹ.

Ngoài những lợi thế công trình mang lại nêu trên, công viên được nối dài thêm gần 1km sẽ tạo không gian vui chơi công cộng cho mọi tầng lớp người dân. Bên cạnh đó, hàng năm các hoạt động văn hóa, lễ hội cũng thường được tổ chức ở công viên trải dài trên con đường này. Các hoạt động này cũng góp phần không nhỏ để thu hút khách du lịch đến với Bình Dương

Công viên chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Lâm Thiện.
Công viên chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Lâm Thiện.

“Tôi sống gần đây, mỗi sáng, chiều đều ra đây uống cà phê hóng mát, ngắm thuyền bè qua lại. Thấy công trình này sắp đưa vào sử dụng, tôi cũng như những người dân ở đây rất mừng. Thành phố có thêm công viên đẹp, thêm con đường khang trang, là cư dân thành phố ai mà không vui” - ông Phạm Ngọc Ngự, một người dân địa phương nói.

Ông Phạm Ngọc Ngự và ông Trần Tấn Anh ngồi thư giãn buổi sáng tại công viên Bạch Đằng. Ảnh Lâm Thiện.
Ông Phạm Ngọc Ngự và ông Trần Tấn Anh ngồi thư giãn buổi sáng tại công viên Bạch Đằng. Ảnh Lâm Thiện.

Còn ông Nguyễn Tấn Anh cũng là người dân gần đó nhắn nhủ: “Công viên dọc bờ sông này rất đẹp, hàng ngày bà con và các cháu nhỏ ra đây tập thể dục, hóng mát, thư giãn rất đông; mong bà con và các cháu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, giữ gìn không gian cho được mãi xanh - sạch - đẹp, để mọi người có chỗ vui chơi thật sự lý tưởng”.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua khu vực TP Thủ Dầu Một rộng, có nhiều khúc cua uốn lượn rất đẹp, nay công trình lại có cả bến thuyền. “Hi vọng thời gian tới Bình Dương có chiến lược cụ thể để du lịch đường sông Bình Dương phát triển, xứng với tiềm năng thiên nhiên ban tặng”, ông Tấn Anh nói thêm.

Chị Ngọc Trinh chủ quán cà phê chia sẻ: “Con đường này xây dựng xong lượng khách chắc chắn sẽ đông hơn, sau dịch Covid 19 buôn bán được như này mừng lắm”. Ngoài ra chị Trinh cũng mong muốn tỉnh, thành phố sắp sếp thêm điểm trông giữ xe, vì khi đường - công viên được nối dài lượng người đến vui chơi ngày một đông, hiện còn xảy ra tình trạng đậu xe dưới lòng đường, làm mất an toàn giao thông.

Một phân đoạn đường có dải phân cách đã hoàn thành. Ảnh: Lâm Thiện.
Một phân đoạn đường có dải phân cách đã hoàn thành. Ảnh: Lâm Thiện.
 

Đường Bạch Đằng nối dài hoàn thành, đưa vào sử dụng người dân trong vùng sẽ được hưởng lợi nhiều mặt, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy giá trị đất vùng lân cận tăng cao, đặc biệt là bất động sản nằm trong dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Bạch Đằng (Bach Dang’Gold). Dự án này do Công ty cổ phần xây dựng tư vấn – đầu tư Bình Dương (Biconsi) và Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương cùng hợp tác đầu tư. Chợ đêm nằm trong dự án cũng là điểm ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí rất lý tưởng cho du khách.