Hai kịch bản, một con sốTheo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu kinh tế trong tháng 7 và 8 của tỉnh đã bị sụt giảm so với các tháng đầu năm và cùng kỳ.
Tuy nhiên, do cộng dồn của 6 tháng đầu năm, bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế 8 tháng của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có mức tăng nhẹ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1.493 triệu đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 44.900 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Kinh tế 8 tháng của tỉnh Bình Dương vẫn giữ được ổn định và có mức tăng nhẹ (Ảnh minh hoạ). |
Cụ thể: Kịch bản 1 được đặt trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 (tiêm vaccine trên 95% dân số để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và công tác kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, thành phố được thực hiện tốt - NV). Theo đó, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Chỉ số sản xuất công nghiệp được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 22%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... Đối với kịch bản này, UBND tỉnh Bình Dương dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) sẽ đạt khoảng 7% (thấp hơn kế hoạch 8,5 – 8,7%).
Kịch bản 2: Trường hợp đến tháng 12/2021 dịch bệnh mới được kiểm soát. Theo kịch bản này, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức khoảng 7,5 - 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 7,6%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4% (thấp hơn kế hoạch 8,5 – 8,7%).
Như vậy, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra trong những tháng cuối năm là rất khó khăn. Và dù diễn biến thực tế có diễn ra theo kịch bản 1, hay kịch bản 2 thì theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng chỉ đạt từ 6,4% đến 7% (thấp hơn kế hoạch 8,5-8,7%).
Chống dịch hiệu quả để phát triển kinh tế
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, khó khăn, suy giảm kinh tế sẽ là tình hình chung của cả nước. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất không điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn.
Bình Dương xác định chống dịch Covid-19 hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế (Ảnh minh hoạ). |
Về nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển, tạo đột phá trong cải cách hành chính, đồng thời, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.