Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 36 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2024 có 31 chỉ tiêu đã đạt, vượt kế hoạch; các chỉ tiêu còn lại dù chưa đạt nhưng có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X.
Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X.

Tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Theo đó, năm 2024 Bình Dương có 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh đạt và vượt kế hoạch; các chỉ tiêu gần đạt với kế hoạch có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2023.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,48%; GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng (kế hoạch 185,5 triệu đồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện gần 162.000 tỷ đồng, tăng 11%.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. Cụ thể, cấp 18.803 thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; xây dựng, sửa chữa 45 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng; tạo việc làm tăng thêm cho 36.000 người (đạt 102,85% kế hoạch).

Ở lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,81%, điểm trung bình chung các môn thi 7,32 điểm, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên.

Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi.

Bên cạnh những kết quả được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng chỉ ra nhưng khó khăn, hạn chế của tỉnh trong năm 2024.

Cụ thể như, thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp xanh, dịch vụ chất lượng cao chưa nhiều; nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo,... còn hạn chế; công tác đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển…

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, triển khai quy hoạch tỉnh, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Trên cơ sở kết quả đạt được và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, UBND tỉnh xây dựng 36 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, mục tiêu đề ra năm 2025 là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trên 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 195 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9% - 10%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.8 tỷ USD…

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình thêm một số nội dung liên quan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình thêm một số nội dung liên quan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Trong chương trình kỳ họp này, sáng 10/12 đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề giáo dục - đào tạo và văn hóa - du lịch.

Theo đó, HĐND tỉnh đã lựa chọn 2 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn là: công tác quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo; công tác quản lý nhà nước về văn hóa - du lịch.

Các đại biểu đã chất vấn bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo một số nội dung như: tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu so với nhu cầu thực tế; nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chính sách hỗ trợ cho nhân viên, giáo viên ngành giáo dục; tình trạng 1 bộ sách có nhiều nhà xuất bản khác nhau và không tái sử dụng cho năm học tiếp theo…

Về công tác quản lý nhà nước về văn hóa - du lịch, các đại biểu cũng đã chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường một số vấn đề như: tiến độ thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn TP Thủ Dầu Một; những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; những thuận lợi, vướng mắc của những điểm mới Luật Đất đai 2024 về xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư…

Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã trả lời làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh như: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ, quy hoạch phân khu còn chậm; tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt giá đất; việc đưa các công trình, trụ sở, các khu đất công cũ vào sử dụng hoặc tổ chức đấu giá; kết quả thực hiện công tác bồi thường…và nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải, xã hội, nội chính…

Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đi vào trọng tâm, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm và các đại biểu HĐND đã chất vấn.