Tình nguyện viên là cán bộ viên chức được điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại bệnh viện dã chiến phục vụ nhập liệu, thu dung giúp giải tỏa áp lực cho các bệnh viện. |
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Chính - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên nơi đang tiếp nhận, điều trị nhiều F0. Bác sĩ Huỳnh Văn Chính cho biết: "Hiện tại thị xã Tân Uyên đang lập hồ sơ khoảng 60 trường hợp F0 đã khỏi bệnh (tải lượng virus trên 30%), đủ điều kiện xuất viện, nhưng không chịu xuất viện với rất nhiều lý do. Trong đó nổi cộm là nơi ăn chốn ở, nơi sinh hoạt, tình cảm gắn bó giữa người bệnh với người bệnh, người bệnh với cán bộ y tế, người bệnh với đội ngũ phục vụ tư vấn... mà nhiều người chưa muốn về lại nhà, tình nguyện làm đơn xin ở lại để được chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh với những người có cùng hoàn cảnh. Nhóm này chủ yếu là lực lượng cán bộ công nhân viên chức, kể cả các chiến sĩ công an, quân đội, viên chức ngành y tế và công nhân lao động. Khi khỏi bệnh là anh chị em hăng hái quay trở lại làm việc với tinh thần, tình cảm rất tích cực.
Nhóm thứ hai là công nhân, người lao động tự do ở trọ tại các địa bàn đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng”. Anh chị em tâm sự: “Giờ về nhà trọ không có việc làm, không thu nhập, phải tiếp tục cách ly cho đến khi nơi ở được dỡ phong tỏa. Nên xin ở lại phục vụ, giúp đỡ người bệnh đang điều trị tại các trung tâm cách ly, khu điều trị Covid-19”.
Tình nguyện viên là F0 đã được điều trị khỏi bệnh tình nguyện ở lại bệnh viện thực hiện các công việc phát cơm, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến số 1, cơ sở Thới Hòa, TX Bến Cát |
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Văn Chính, trên cơ sở đơn tình nguyện của người bệnh đã khỏi bệnh, ngành y tế làm tờ trình UBND thị xã phê duyệt làm cơ sở chi trả thù lao, hỗ trợ cho những trường hợp F0 đã khỏi bệnh tự nguyện ở lại phục vụ đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết: "Việc F0 đã khỏi bệnh không chịu về nhà mà xin được tiếp tục ở lại bệnh viện là tín hiệu tích cực cho ngành y tế nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng. Bởi thời gian tới công tác điều trị, xét nghiệm, triển khai các trạm y tế lưu động tại các địa phương theo kế hoạch của UBND tỉnh, sẽ cần một lực lượng nhân sự hỗ trợ khá lớn, giúp ngành y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cơ sở thực hiện nhiều công việc trong thời gian tới. F0 sau khi được điều trị khỏi bệnh có khả năng miễn dịch đến 6 tháng nên nhiều người tự tin, xin ở lại bệnh viện để phục vụ, giúp đỡ người bệnh đang điều trị".
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định về chế độ ăn hàng ngày đối với F0 đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly, điều trị Covid-19 trên địa bản tỉnh tùy từng tầng điều trị (tầng 1, tầng 2 và tầng 3) chế độ ăn dao động từ 70.000 đến 90.000 đồng/ người/ngày. Để bảo đảm dinh dưỡng, khoáng chất, giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh theo đề nghị của ngành y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đồng ý tăng thêm chế độ ăn hàng ngày thêm 20.000 đồng đến 30.000 đồng tùy tầng điều trị đối với người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời tiếp nhận F0 đã điều trị khỏi bệnh có đơn tình nguyện trở lại phục vụ, hỗ trợ công tác điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh và được hưởng chế độ, thù lao theo quy định.