Bình Dương thúc đẩy giao thông, phát triển mạnh hạ tầng

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng, phát triển hàng đầu cả nước với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư khá tốt, nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Dương vẫn chưa hài lòng, yêu cầu hệ thống giao thông phải được khai thông mạnh mẽ hơn.

Nhận rõ hạn chế, chỉ ra giải pháp

5 hạn chế của tỉnh Bình Dương được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nêu ra tại Hội nghị mở rộng Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XI diễn ra ngày 31/3 vừa qua, đó là: Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển chung của tỉnh; hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng chưa đáp ứng nhu cầu; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước trong xã hội hóa còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp trong nhóm thấp.

Để vượt qua 5 hạn chế trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được tự mãn, ngủ quên trên "vòng nguyệt quế" mà ngược lại phải cố gắng thay đổi tư duy, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương, của các thế hệ đi trước và Nhân dân toàn tỉnh.

Hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhưng khả năng kết nối chưa tương xứng với tiềm năng vốn có
Hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhưng khả năng kết nối chưa tương xứng với tiềm năng vốn có
 

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, không chỉ năm 2022 mà cả nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Dương tập trung mạnh nguồn lực cho đầu tư công và các công trình mang tính trọng điểm.

Từ việc xác định mục tiêu, động lực cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi gợi ý và chỉ ra nhiều giải pháp tháo gỡ hạn chế rất cụ thể, trong đó: Cần sớm điều chỉnh chính sách cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế địa phương, khu vực. Chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh…

Dồn sức phát triển mạnh hạ tầng giao thông

Năm 2022 tỉnh Bình Dương xác định dồn sức cho đầu tư công, tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông mang tính trọng điểm của tỉnh. Cụ thể với các dự án, công trình giao thông mang tính đối ngoại, kết nối vùng, tỉnh Bình Dương tích cực phối hợp với địa phương triển khai nhiều dự án giao thông kết nối vùng tạo động lực cho sự phát triển như: Tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc..

Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 92km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 25,92km. Trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn chưa đầu tư dài 10,62Km. Tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư công (50% ngân sách Trung ương, 50% ngân sách địa phương). Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án…

Được thiên nhiên ban tặng sông Đồng Nai và sông Sài Gòn nhưng 2 tuyến thủy lộ này vẫn chưa phát huy được thế mạnh
Được thiên nhiên ban tặng sông Đồng Nai và sông Sài Gòn nhưng 2 tuyến thủy lộ này vẫn chưa phát huy được thế mạnh

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, tỉnh đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhằm khai thông, giảm ùn tắc, mở rộng thêm hai làn xe tuyến đại lộ Bình Dương từ giáp ranh TP Hồ Chí Minh đến giáp ranh TP Thủ Dầu Một, chiều dài 12,6 km theo hình thức BOT, tổng mức đầu 1.367 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị đang tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho lễ khởi công.

Trong khi đó, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ đầu tư bằng nhiều hình thức như: Xây dựng 8 hầm chui, cầu vượt tuyến chính; 9 hầm chui dân sinh; 8 cầu vượt bộ hành; 11,7 km đường gom theo hình thức BOT. Công tác sửa chữa tuyến đường này cũng được triển khai bằng hình thức O&M (quản lý kinh doanh) hàng năm; trùng tu; đại tu cho hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh. Tổng mức đầu tư: 7.258,603 tỷ đồng; trong đó, đầu tư theo hình thức BOT: 6.619,3 tỷ đồng; Đầu tư theo hình thức O&M: 639,2 tỷ đồng.

Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trọng điểm, giảm ùn tắc, tăng tính kết nối giao thông đối nội, đối ngoại là yêu cầu quan trọng đối với đô thị hiện đại nhằm rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian và chi phí trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tầm quan trọng này được Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình giải thích: "Thời gian là yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh. Bằng nỗ lực của mình, tỉnh Bình Dương nói chung và Cục Hải quan Bình Dương nói riêng đã đẩy mạnh đầu tư, cải cách, hiện đại hóa nhằm rút ngắn thời gian đến mức thấp nhất nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của tỉnh và doanh nghiệp".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần