Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: Triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh này. Vành đai 4 qua Bình Dương dài 47,45km dự kiến sẽ khởi công trong năm nay, đưa vào sử dụng cuối năm 2026…

Sơ đồ đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh (đường màu cam).
Sơ đồ đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh (đường màu cam).

Ngày 14/3, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh này (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện đơn vị đang khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định.

Với dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng, hiện Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền.

Theo kế hoạch, các dự án thành phần sẽ được phê duyệt trong quý I/2024; giải phóng mặt bằng, bàn giao tối thiểu 50% trong quý II/2024, 70% mặt bằng trong quý III/2024 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024; triển khai thực hiện dự án, phấn đấu khởi công dự án trong đầ​​u quý III/2024; tập trung thi công cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ quý IV/2026.

Theo đó, dự án thành phần 1, nhà đầu tư đề xuất tổ chức lập hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trên phạm vi xây dựng của dự án thành phần 2 và trình Sở Giao thông vận tải thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh theo hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng được phê duyệt và mốc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở giai đoạn chuẩn bị dự án và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 theo quy định.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng được duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho dự án thành phần 1 dự án giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn đảm bảo tiến độ tổng thể toàn bộ dự án theo chủ trương được duyệt; phấn đấu đầu quý II/2024 tiến hành chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng

Với Dự án thành phần 2 sẽ lập và trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức mời quan tâm; lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; khởi công công trình dự kiến ngày 10/7/2024; cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 11/2026 và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2026.

Đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh dài hơn 206km qua 5 tỉnh, thành phố. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng, phương thức đối tác công tư (PPP). Chính phủ giao TP Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai 17,3km, Bình Dương 47,45km. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai 18,1km, Đồng Nai 45,6km và tỉnh Long An 78,3km. UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan được giao làm đầu mối tổng hợp việc triển khai dự án.