Ngày 26/4, ông Nguyễn Minh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y thuộc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, cho biết đã lấu mẫu cá chết và mẫu nước trong đập Bình Hà 1, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập để xét nghiệm nguyên nhân làm hàng chục tấn cá đang chờ thu họach của người dân bỗng dưng chết trắng trong lòng đập.
Theo ông Hải, bước đầu qua xét nghiệm mẫu cá và nước cho thấy nguyên nhân cá chết đột ngột không phải do dịch bệnh mà do lượng oxy giảm xuống đột ngột đến mức tối thiểu (chỉ còn 0%). “Lượng oxy hạ xuống thấp tới mức tối thiểu có nhiều nguyên nhân: có thể do biến đổi khí hậu, lượng chất thải phát sinh bị tuồn xuống vùng hồ đập hoặc bị đầu độc khiến cá đột ngột chết. Vì vậy chúng tôi cũng đã gửi mẫu cá và nước đến cơ quan chuyên môn ở TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm sâu hơn, từ đó biết được nguyên nhân chính xác vì sao cá chết hàng loạt”, ông Nguyễn Minh Hải, nói.
Trước đó từ ngày 22/4 – 25/4, tại lòng hồ đập Bình Hà 1 ở xã Đa Kia xảy ra hiện tượng cá của một số hộ dân nuôi trong lòng hồ chuẩn bị thu hoạch thì đột ngột chết hàng loạt, nổi dày đặc mặt nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong các hộ dân sống ven đập Bình Hà 1, hộ ông Dương Văn Cù (thôn 6, xã Đa Kia) bị thiệt hại nặng nhất với gần 20 tấn cá chủ yếu cá lăng đang trong thời kỳ khai thác bán (loại nhỏ nhất nặng từ 700 – 800 gr/con, loại to nhất gần 3 kg/con) bị chết toàn bộ, ước tính chỉ riêng hộ ông Cù thiệt hại nhiều tỷ đồng.
“Từ khi phát hiện dấu hiệu cá nổi lập lờ gần mặt nước đến khi cá chết chỉ 2 ngày. Do không biết nguyên nhân và cá chết quá nhanh nên gia đình tôi trở tay không kịp. Do số lượng cá chết nổi trắng đập nên thôn huy động người dân vớt lên ủ làm phân bón”, ông Cù rầu rĩ nói.
Không những cá nuôi bị chết hàng loạt, mà cá tự nhiên trong hồ đập cũng chết la liệt, nhiều con có trọng lượng từ 1 -7kg! Mặc dù huy động sức người bơi xuồng ra hồ vớt nhưng không kịp khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng vì cá thối rữa. Được biết hồ đập Bình Hà có diện tích khoảng 22 ha, được gia đình ông Cù thuê để nuôi cá đã 13 năm qua, trong đó chủ yếu là cá lăng có giá trị cao.