Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng 15/4 với sự tham gia của lãnh đạo Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tỉnh thành, chuyên gia viện, trường; nhà doanh nghiệp…
Là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Bình Phước hiện sở hữu nhiều tài nguyên du lịch so với các tỉnh trong vùng như: diện tích rộng lớn có nhiều dư địa để kêu gọi đầu tư; có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh dồi dào; có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên; là thủ phủ cây điều, cao su của cả nước, phù hợp với xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất...
Đặc điểm nổi bật của du lịch Bình Phước là được thừa hưởng di sản lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; có hệ thống di chỉ khảo cổ thành đất dạng tròn, là nơi sinh sống của người Việt cổ; là nơi hội tụ 41 dân tộc có những nét văn hóa riêng.
Tuy nhiên thời gian qua, du lịch Bình Phước phát triển chưa xứng tầm, đầu tư chưa bài bản. Mới dừng lại ở việc đầu tư cho bảo tồn, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, chưa có định hướng để đầu tư cho phát triển du lịch và chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, có sức cạnh tranh cao, thu hút doanh nghiệp lớn về đầu tư. Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 có tổng mức đầu tư trên 26.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh mong muốn đại biểu góp ý toàn diện từ cơ sở hạ tầng, môi trường, chính sách, nguồn nhân lực, giúp Bình Phước có đề án du lịch hoàn thiện, làm cơ sở để triển khai, đầu tư và phát triển.
Với tinh thần thẳng thắng, mong muốn du lịch Bình Phước sớm phát triển, các đại biểu, nhà khoa học chỉ ra: Tiềm năng, danh lam thắng cảnh, tài nguyên du lịch muốn khai thác hiệu quả phải có chiến lược, đi cùng sản phẩm du lịch đặc trưng và công tác quảng bá, tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lưc. Đặc biệt, nhân lực cấp cao lấy ngoại ngữ làm phương tiện. Du lịch gắn liền với thiên nhiên và kinh tế - xã hội, vì vậy quy hoạch phát triển du lịch phải gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và đặc trưng du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: "Muốn phát triển phải hợp tác và chấp nhận cạnh tranh. Một trong những lợi thế cạnh tranh du lịch là văn hóa. Vì vậy, trong đầu tư phải lưu ý cái gì là văn hóa phải giữ nguyên giá trị, cái gì là hiện đại phải phù hợp với xu thế thế giới. Tránh quy hoạch, đầu tư công trình phát triển kinh tế làm ảnh hưởng đến tiềm năng du lịch. Bởi vì, du lịch là ngành mũi nhọn làm nhiệm vụ khoan thủng vách ngăn để các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái kinh tế mới".
Ông Trần Văn Chung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bình Phước trân trọng cảm ơn những đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp vào đề án Phát triển Du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 giúp Bình Phước hoàn thiện đề án, sớm triển khai và phát triển