Bình tĩnh với bệnh thoái hóa khớp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không còn chỉ là căn bệnh của tuổi già, thoái hóa khớp giờ "tấn công" vào cả giới trẻ, nhất là dân văn phòng, những người ít vận động hoặc không quan tâm đến dinh dưỡng. Bởi vậy, người trẻ cần phòng và điều trị kịp thời khi mới chớm mắc bệnh về khớp.

30 tuổi đã mắc bệnh người già

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (30 tuổi, Nguyễn Quí Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) nhân viên văn phòng của Công ty thương mại CP Ngọc Dương. Công việc chủ yếu của Trang là soạn thảo văn bản, giấy tờ, bởi vậy, hàng ngày, cứ đến công ty là chị chúi đầu vào máy tính. Buổi tối ở nhà, chiếc laptop lại trở thành người bạn tri kỷ để Trang chơi game, nghe nhạc, xem phim hoặc tán gẫu với bạn bè. Thói quen ấy kéo dài đã mấy năm nay. Thế rồi mới đây, Trang bỗng thấy đau nhức ở lưng, tê mỏi cổ, gáy. Ban đầu, những cơn đau nhức, tê mỏi chỉ thoáng qua, sau đó tăng dần đến mức cô có cảm giác chùn cả sống lưng, rất khó chịu. Trang liền tìm mua thuốc giảm đau dành cho viêm cơ, viêm khớp. Uống vào, cô thấy giảm đau khá nhanh, nhưng chỉ được một vài hôm lại tái phát. Chỉ sau khi khám lại tại cơ sở y tế, nghe tư vấn từ nhiều chuyên gia y tế, Trang mới biết mình bị thoái hóa khớp.

Bình tĩnh với bệnh thoái hóa khớp - Ảnh 1

Giống như Trang, anh Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty chuyên về vật liệu xây dựng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng ngạc nhiên khi biết mình bị "bệnh của người già" dù mới ở tuổi 35. Anh Long kể, một lần, do nhân viên vận chuyển đi vắng nên anh phải trực tiếp đi giao hàng. Trong khi đội đầu bao xi măng nặng từ xe ô tô xuống cho khách, anh bị sụn lưng nhưng vẫn chủ quan để cơn đau tự khỏi. Gần đây thấy đau lưng liên tục, anh mới đi khám và phát hiện bị thoái hóa khớp. Căn bệnh tưởng như chỉ người già mới bị, giờ đã trở nên phổ biến hơn ngay cả với những người còn rất trẻ.

Tại lười vận động

Theo các chuyên gia y tế, thoái hóa khớp là bệnh do quá trình tái tạo sụn không "đuổi kịp" lớp sụn ở khớp bị mất đi theo thời gian. Về lâu dài, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương dần bị mỏng đi và hư tổn, gây đau nhức, hạn chế vận động, bệnh nhân thậm chí có thể bị tàn phế. Thông thường bệnh thường xuất hiện ở người trung niên (45 - 50 tuổi) và phổ biến ở người cao tuổi nhưng hiện nay nhiều người bị thoái hóa khớp khi mới 35 tuổi, thậm chí còn trẻ hơn. Lý giải nguyên nhân này, TS Nguyễn Mai Hồng, Phó trưởng khoa Khớp, BV Bạch Mai cho rằng: "Thói quen lười vận động là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ hóa thoái hóa khớp. Điều này khiến cho nhiều bộ phận trên cơ thể rất dễ bị thoái hóa chứ không riêng gì xương khớp".

Thống kê tại BV Bạch Mai cho thấy, có khoảng 10,4% số bệnh nhân đến khám và điều trị vì bệnh thoái hoá khớp, trong đó thoái hoá khớp gối chiếm khoảng 13% tổng số bệnh nhân, tỷ lệ này gần đây có xu hướng ngày càng tăng và độ tuổi càng trẻ. Tuy nhiên, theo TS Hồng thì người trẻ tuổi hoàn toàn có thể bình tĩnh khi mắc phải căn bệnh này. Bởi lẽ, khác với người già, bệnh nhân bị thoái hóa khớp khi còn trẻ vẫn có cơ hội để phục hồi, do xương khớp chưa bị tổn thương nhiều. Đối với người đã mắc bệnh, nếu hoạt động thể lực nhẹ và nâng dần mức độ, kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp các thành phần dinh dưỡng cho sụn thì bệnh tình có thể giảm và khớp sẽ phục hồi. Còn để phòng bệnh, TS Hồng khuyến cáo, trước tiên cần tập luyện thường xuyên, nên đi bộ, chạy bộ, rèn luyện sức mạnh của đôi chân. Ngoài ra, cấu trúc mô sụn vốn được định hình nhờ Collagen Type II, mạng lưới có chức năng  giúp sụn tăng độ bền, đàn hồi tốt và tăng tính dẻo dai. Quá trình lão hóa dẫn đến tình trạng các sợi Collagen ngày càng cứng lại và bị tổn thương, sụn khớp sẽ dần trở nên xù xì và bắt đầu thoái hóa. Vì vậy, để ngăn ngừa và điều trị thoái hóa khớp, việc đảm bảo chất lượng và khối lượng Collagen Type II trong sụn khớp là rất quan trọng.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần