Năm 2017, kết quả danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan DN văn hóa vẫn đạt trên 86%, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTT&DL khẩn trương hoàn thiện Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” để tìm thuốc đặc trị chữa bệnh thành tích cho phong trào này.
Lại một năm bội thuTheo báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2017 phong trào đạt những thành tựu đáng kể. Các địa phương đã tập trung vào quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là gia đình văn hóa (GĐVH), nên kết quả năm 2017 hơn 1 triệu gia đình “trượt” danh hiệu GĐVH so với năm 2016. Năm 2016, có gần 18,8 triệu hộ gia đình, chiếm 85,03% tổng số hộ gia đình trên cả nước đạt danh hiệu GĐVH. Năm 2017, số hộ GĐVH vẫn hơn 17,8 triệu. Theo đánh giá của bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, tỷ lệ đạt danh hiệu GĐVH đạt hơn 70% là còn cao. Đặc biệt, trên các phương tiện truyền thông còn đăng tải rất nhiều vụ đánh giết, bạo lực gia đình, thì việc bình xét danh hiệu GĐVH càng cần siết chặt để xóa bỏ cảm giác phong trào vẫn bội thu, nhưng gốc rễ văn hóa của từng gia đình thì lung lay.
|
Các Hội thi về gia đình hạnh phúc góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. |
Ngoài danh hiệu GĐVH, danh hiệu cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa cũng được đặc biệt quan tâm với mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Năm 2017, số cơ quan, đơn vị, DN đăng ký đạt chuẩn văn hóa là 68.269; số được công nhận là 57.800 (đạt 84,67%), hoặc số thiết chế văn hóa cũng ở những con số đáng mừng. Toàn quốc hiện có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, nhà triển lãm...); 613/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa thể thao hoặc nhà văn hóa huyện, đạt tỷ lệ khoảng 86%; 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao đạt tỷ lệ 58,5%; 66.513/109.727 thôn, buôn, bản có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 60,6%... Nhưng trong số 50% hay 60% nhà văn hóa đã được xây dựng có bao nhiêu địa chỉ hoạt động hiệu quả cũng là vấn đề cần xem xét.
Vì những ý kiến cho rằng kết quả đạt được chưa thực chất, mới đây, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND các tỉnh, TP phúc tra việc xét tặng các danh hiệu văn hóa; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa. Nếu việc phúc tra này được thực hiện, thì chắc rằng tỷ lệ gia đình “trượt” danh hiệu GĐVH sẽ cao ngất ngưởng. Bởi vì quy trình xét tặng vẫn nhiều lỗ hổng khiến cả gia đình nhận và không nhận danh hiệu GĐVH bức xúc.
Không còn xem trọng bình xétKhảo sát thông tin tại 1 số gia đình về danh hiệu GĐVH, có đến quá nửa số gia đình được hỏi trả lời: Tôi cũng không hiểu sao gia đình mình được danh hiệu này, xét trên các tiêu chí nào. Có một người dân ở Long Biên (Hà Nội) còn bày tỏ, cuối năm được ông Tổ trưởng Tổ dân phố dúi cho tấm bằng danh hiệu GĐVH không hiểu được bình xét khi nào và cũng không muốn nhận. Nhưng khi đọc các quy định, quy trình bình xét, nhờ góp ý những bất cập thì hầu hết đều né tránh, vài ba người hiếm hoi bày tỏ ý kiến thì đề nghị giấu tên. Ví như chị M.L (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết: “Danh hiệu chỉ là hình thức. Hầu như nhà nào trong tổ mình cũng được công nhận GĐVH. Tuy nhiên có một số gia đình còn tình trạng cãi vã, đánh bạc, gây mất trật tự khu phố”. Bác T.Tr ở Hai Bà Trưng thì lại cho rằng, quy định không còn phù hợp bởi vì đặc thù của TP tính gắn kết trong gia đình, hàng xóm đang khép kín. Nhiều mặt trái của gia đình như: Tệ nạn, bạo lực, thiếu văn hóa… được che đậy tốt hơn với những người xung quanh.
Việc bình xét GĐVH chỉ sôi nổi trong vài năm đầu. Qua 15 năm, sự nhiệt tình đã giảm đi phần nào. Ở một khu đô thị mới ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) có đến hơn 10 nhà được hỏi đều không biết vẫn còn danh hiệu GĐVH. Bởi có đến 5 năm nay không thấy vị tổ trưởng tổ dân phố phát phiếu bầu chọn hoặc trao giấy chứng nhận GĐVH. Một vị tổ trưởng khác ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) thì thừa nhận: “Nhiều tổ trưởng chỉ làm qua loa cho đủ chỉ tiêu, để khu phố mình được danh hiệu khu phố văn hóa. Khi trao tặng danh hiệu này chúng tôi cũng nghĩ nhiều hơn tới việc được lòng dân thôi chứ cũng không quan trọng gia đình nào có văn hóa thật sự” - vị này cho biết.
Chờ Nghị định xét tặngHiện nay, tiêu chí để đánh giá một GĐVH căn cứ theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL. Theo đó, tổng thang điểm bình xét áp dụng cho 11 tiêu chí là 100, các hộ chỉ tự chấm ở mức từ 51 điểm trở lên đến mức tối đa/11 tiêu chí là đương nhiên đạt chuẩn. Số lượng tiêu chí đã ít và sơ sài như vậy, đi kèm theo đó, tại các địa phương đều không khống chế số lượng GĐVH ở khu dân cư nên tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa rất cao, cứ 10 hộ thì có đến 9 hoặc 9,2 hộ đạt chuẩn, dẫn đến không thấy được tỷ lệ cao, thấp và chất lượng thực sự của các danh hiệu này.
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VHTT&DL sớm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định xét tặng danh hiệu văn “GĐVH”, “Khu dân cư văn hóa” để “cứu” các danh hiệu khỏi bệnh hình thức. Theo bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở (Bộ VHTT&DL): “Bộ đã đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay cho Thông tư 12 để nâng cao các tiêu chí, từ đó nâng cao giá trị của danh hiệu GĐVH, khu dân cư văn hóa. Theo yêu cầu của Chính phủ, Nghị định cần đưa ra trên 50 tiêu chí và các tiêu chí không được mang tính nguyên tắc, tính phong trào mà phải đi vào chi tiết, cụ thể để nâng cao giá trị của danh hiệu GĐVH”.
Về cơ bản, dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu GĐVH bao gồm các nhóm tiêu chí, trong đó có nhóm tiêu chí bắt buộc và nhóm tiêu chí khuyến khích. Mỗi nhóm tiêu chí đều có những thang điểm cụ thể làm căn cứ để chấm điểm. Một số tiêu chuẩn để đạt danh hiệu GĐVH trong Dự thảo Nghị định bao gồm: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng… Còn một số tiêu chuẩn để đạt Danh hiệu Khu dân cư văn hóa bao gồm: Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Dự kiến, trong tháng 2/2018, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2018.