Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm. Đó là quan điểm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 7. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc chưa có cơ chế kiểm soát tốt quyền lực hiệu quả, nên nhiều người sử dụng quyền không đúng, dẫn đến lạm quyền, xem quyền lực như của mình rồi ban phát, xin cho. Đây là khởi nguồn của nhiều sai phạm. Điển hình nhất, hàng loạt vụ đại án được đưa ra xét xử, nhiều ngàn tỷ đồng bị tham ô, làm thất thoát bởi những cán bộ có “năng lực” nhưng thiếu “phẩm chất” là minh chứng rõ nhất cho sự tha hóa quyền lực. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành.
Như không ít ý kiến nhận định, dù T.Ư đã nhìn thấy rõ thực trạng, có quyết tâm cao trong việc xử lý sai phạm, không có bất cứ “vùng cấm” nào, kể cả cán bộ cấp chiến lược, người về hưu nếu có sai phạm cũng đều được bị xử lý. Nhưng vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề nhạy cảm, phức tạp này. Rất cần những cơ chế mạnh mẽ, quy định nghiêm khắc để “đưa quyền lực vào lồng quyền soát”Đề án về công tác cán bộ lần này được coi là một chiến lược mới trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật đã tìm ra những giải pháp đột phá. Không né tránh, tất cả những yếu kém trong công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đều được chỉ rõ ràng, rành mạch. Từ đó, có giải pháp “siết chặt kỷ luật, kỷ cương”, “triệt để chống chạy chức, chạy quyền”. Như trong khâu đầu tiên và yếu nhất là đánh giá cán bộ, từ thực trạng, T.Ư đã yêu cầu phải có phương pháp đánh giá một cách khách quan, chính xác. Không còn sự vì nể, qua loa. Sẽ là trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh giá ra, ngoài đánh giá vào, đánh giá xuyên suốt, đa chiều… Đặc biệt, sẽ mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách phù hợp. Chính sự đánh giá công tâm ấy mới có được cán bộ tốt, hạn chế tối đa những vụ bổ nhiệm “đúng quy trình” mà động cơ “không trong sáng”.Một hệ thống những giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ cũng được đề cao. Bí thư tỉnh, huyện không phải người địa phương; mở rộng chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo; tăng kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền; thu hồi các quyết định sai trái…Chính những cơ chế, giải pháp ấy sẽ giúp lấp đầy những “lỗ hổng”, mọi quyền lực sẽ được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn được ràng buộc với trách nhiệm. Chắc chắn khi thực trạng đã rõ, giải pháp đã phù hợp và được thực hiện với quyết tâm cao sẽ tạo ra kết quả nhìn thấy được, cảm nhận được. Khi đó, những tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ không còn chỗ đứng; tham nhũng, lạm quyền cũng sẽ không còn là vấn đề nhức nhối dự luận như thời gian vừa qua.