BK - Ebike và thông điệp giao thông sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án BK – Ebike của trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đang là một điểm nhấn trong nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng giao thông sạch, góp phần bảo vệ môi trường.

BK - Ebike và thông điệp giao thông sạch - Ảnh 1Rất hồ hởi khi chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về dự án này, ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc BK – Ebike khẳng định: Chúng tôi muốn truyền đến mọi người thông điệp “Năng lượng xanh, giao thông sạch”.

Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ĐH Bách khoa Hà Nội cho ra đời dự án BK - Ebike?

- Dự án BK-Ebike có tên đầy đủ là Thí điểm sử dụng xe đạp, xe máy điện và năng lượng mặt trời kết hợp mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo và người khuyết tật tại Hà Nội. Đơn vị khởi phát ra ý tưởng này là Tổ chức Caritas Thụy Sĩ và Đối tác năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng (REEEP). Trước đó, từ năm 2013, Caritas đưa ra ý tưởng là ở Hà Nội sử dụng xe đạp điện có phù hợp hay không? Câu trả lời là “Có”, và họ triển khai ý tưởng thứ hai nghiên cứu đưa ra mô hình xe đạp điện ở Hà Nội có khả thi hay không? Câu trả lời cũng là “Có”. Đến cuối năm 2013, ĐH Bách khoa Hà Nội được lựa chọn để triển khai dự án, năm 2014 đi vào thực hiện và đầu năm 2015 thực hiện dịch vụ cho thuê xe. Với lợi thế Trung tâm xe đạp điện Bách khoa nằm cận kề sinh viên của các trường ĐH, nên phục vụ được rất nhiều cho đối tượng này. Trong thời gian tới, BK-Ebike sẽ mở rộng phục vụ khách du lịch, văn phòng và khách vãng lai.

Vậy dòng xe của dự án có gì hơn các loại xe đạp điện khác, thưa ông?

- Đến nay, dự án có 165 xe đạp điện và 15 xe máy điện. Dòng xe của BK-Ebike cũng giống như sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, nhưng có một số điểm nhấn. Đó là khung nhôm nhẹ và thanh mảnh phù hợp với tâm lý sinh viên và thanh niên; kiểu dáng thiết kế gần giống xe đạp truyền thống trẻ trung, năng động. Đặc biệt là sử dụng công nghệ pin Lithium tiên tiến mang ưu điểm cùng một dung lượng nhưng nhẹ bằng 30% so với ắc quy; lượng hóa thải và hợp tái chế bằng 30% so với ắc quy; cần thời gian sạc bằng 40% so với ắc quy; có tuổi đời gấp 3 lần ắc quy, có thể sử dụng trong vòng 1.000 – 1.200 lần sạc - xả, còn ắc quy là 300 lần.

Hiện, dự án đầu tư cho Trung tâm một trạm phát năng lượng mặt trời. Pin mặt trời có vai trò chính là làm nhiệm vụ truyền thông, tức là để cho người thuê xe có trải nghiệm, cảm nhận trực tiếp luôn về năng lượng tái tạo, tức là năng lượng sạch. Trong thời gian ngắn hạn, pin mặt trời chưa có ý nghĩa nhiều về góc độ kinh tế. Cụ thể, hiện nay, dùng điện lưới 1kWh mất khoảng 2.000 - 3.000 đồng, còn đầu tư điện mặt trời thì 1kWh có chi phí lên tới khoảng 20.000 đồng. Thành ra trước mắt dùng điện mặt trời có ý nghĩa nhiều về truyền thông, mang tính giáo dục rất cao cho mọi người về nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, tiến tiến. Đây chính là nguồn năng lượng trong tương lai của chúng ta. Bởi nó không có tiếng ồn và mức xả thải CO2 chỉ bằng 1/14 so với mức xả thải của xe máy chạy xăng.
Trung tâm cho thuê xe tại cổng ký túc xá, phố Tạ Quang Bửu.
Trung tâm cho thuê xe tại cổng ký túc xá, phố Tạ Quang Bửu.
Vậy, mức phí thuê xe ra sao và hiện mỗi ngày có bao nhiêu người đến thuê, thưa ông?

- Trung bình mỗi ngày có 100 - 150 lượt người đến thuê xe. Mức phí cho thuê 15.000 đồng/giờ, chỉ bằng mức giá chương trình khuyến mại của nơi khác. Chúng tôi muốn phục vụ sinh viên tốt hơn nên đã chia nhỏ các mức giá, cứ 30 phút tính một mức. Chẳng hạn người thuê đi 1 tiếng 15 phút thì trả tiền 1 tiếng 30 phút, trong khi nơi khác phải trả tiền 2 tiếng. Trong khả năng của mình, chúng tôi cố gắng phục vụ các bạn sinh viên tốt hơn. Chúng tôi đang muốn giới thiệu dịch vụ cho thuê xe đạp điện đến một số công ty du lịch, công ty truyền thông để phục vụ khách du lịch đi tham quan trong TP và các chương trình road show. Dự án rất muốn hình ảnh xe điện càng ngày càng thân thuộc và rộng rãi hơn trong cuộc sống ở Hà Nội.

Nếu khách muốn mua xe của BK – Ebike?

- Không được! Nếu chúng tôi bán, một xe chỉ phục vụ được cho một hộ gia đình, còn cho thuê thì phục vụ được cho rất nhiều người. Chúng ta so sánh, xe máy ở nhà thường phục vụ được 2 tiếng, trong khi xe đạp điện cho thuê được sử dụng từ 6 - 8 tiếng. Có nghĩa là một xe cho thuê được đưa vào sử dụng có thể thay thế được 3 - 4 xe hộ gia đình mua về sở hữu cá nhân. Đó chính là mục đích và ý nghĩa lâu dài của dự án là biến phương tiện truyền thống xe 2 bánh cá nhân thành phương tiện giao thông công cộng. Cách làm này nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát khí thải CO2 và nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, giải pháp giao thông sạch và bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!