Bloomberg: Việt Nam sẽ “thắng lớn” nhờ TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bloomberg - hãng tin kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới nhận định: Việt Nam, quốc gia thu nhập thấp với cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu có khả năng trở thành nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo dự đoán, trong một thập kỷ tới, GDP Việt Nam có khả năng tăng 11% - tương đương 36 tỷ USD sau khi TPP hoàn thành và có hiệu lực, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nhảy vọt 28% trong xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.
Bloomberg: Việt Nam sẽ “thắng lớn” nhờ TPP - Ảnh 1
Lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam hưởng lợi nhất từ TPP?

Thuế suất nhập khẩu tại Mỹ và Nhật Bản được miễn giảm sẽ trở thành động lực thúc đẩy cho các quốc gia sản xuất dệt may nhất là với điều kiện nhân công giá rẻ như Việt Nam.
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày Việt Nam có thể tăng tới hơn 50% trong 10 năm tới – theo Tổ chức Á Âu (Eurasia Group). Nền công nghiệp thủy sản cũng sẽ được lợi từ miễn giảm thuế các sản phẩm trọng yếu như tôm, mực, cá hồi – hiện nay vẫn duy trì ở mức 6,4 – 7,2%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đối diện với những luật lệ nghiêm ngặt về nguồn gốc vật liệu, cần phải vượt qua để tận dụng tối đa những lợi thế nói trên.
TPP có ý nghĩa gì với những công ty nước ngoài ở Việt Nam?

Việc thuế quan nhập khẩu đối với các sản phẩm của Việt Nam được miễn giảm sau hiệp định sẽ thu hút thêm các công ty nước ngoài. Một khi có hiệu lực, TPP sẽ đem lại sự thúc đẩy trong ngắn hạn tới với cả thị trường chứng khoán (TTCK).

Trong tuần trước, khi hiệp định này mới hoàn thành thỏa thuận khung, chỉ số VN INDEX củaViệt Nam đã tăng 4,9%, với sự gia tăng đột biến nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu mã ngành xuất nhập khẩu, khu công nghiệp, thủy sản và dệt may. Tổng cộng, các nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch mua 41,8 triệu USD tại TTCK Việt Nam trong tuần trước.  Những nhóm ngành này dự kiến cũng sẽ thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn trong thời gian tới.

Những thách thức còn chờ Việt nam?

Lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, dự kiến sẽ đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty trên toàn cầu với lợi thế kinh doanh lớn và hoạt động hiệu quả hơn. Giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm y dược từ mức 2,5% hiện nay cũng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh hơn về lĩnh vực này tại Việt Nam. Bên cạnh đó, TPP cũng đặt áp lực yêu cầu các DN nhà nước cần cải cách để hoạt động hiệu quả hơn.