Sản phẩm "Make in Vietnam"
Khi nói về Bluezone, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng đánh giá đây là ứng dụng hết sức có ý nghĩa nhờ đó người dân được kịp thời cung cấp thêm công cụ để tự bảo vệ mình và cộng đồng trước đạt dịch Covid-19. Và trên thực tế, Bluezone đã thể hiện được rõ sự cần thiết của mình khi dù chỉ mới ra mắt chưa đầy 20 ngày nhưng lượng người dùng đã vượt mốc 171.000, đây là con số ấn tượng với một ứng dụng y tế trực tuyến được "Make in Vietnam".
Được biết, Bluezone là sản phẩm do Bộ TT&TT phối hợp cùng một số doanh nghiệp công nghệ trong nước như Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV phát triển. Với việc có thể cài đặt dễ dàng trên điện thoại, ứng dụng này giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loại bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.
Bluezone có ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy) giúp các smartphone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Do vậy, nếu có bệnh nhân F0, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone.
Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2.
Điểm nổi bật khác của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng. Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Theo tính toán, nếu 30 triệu người Việt Nam cài đặt Bluezone, Việt Nam sẽ đạt tới tỷ lệ tối ưu để phát hiện sớm các ca tiếp xúc gần với những người bị bệnh do dịch Covid-19. Khi đã có một cộng đồng như vậy, thậm chí ngay cả đối với những người không dùng app, cũng được bảo vệ.
Chia sẻ nhận định của mình đối với Bluezone, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19. Ứng dụng không những chỉ ra đúng những người tiếp xúc đủ gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, mà còn không thu thập dữ liệu người dùng khi các thông tin chỉ được lưu trên điện thoại cá nhân.
Bluezone cũng chính là minh chứng về việc dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội “trăm năm” cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng và đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.
Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian tới Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục công bố các phần mềm phòng chống dịch Covid-19, cũng như các nền tảng, các phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, nhằm giúp Việt Nam thiết lập một trạng thái bình thường mới, góp phần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Là ứng dụng mang tính toàn cầu
Ngoài những tính năng tiện lợi cũng như bảo mật dữ liệu người dùng như đã nói ở trên, Bluezone còn tạo ấn tượng hơn khi được xác định là ứng dụng mang tính toàn cầu, với việc được mở mã nguyền theo bản quyền GPL 3.0. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng được tự do tìm hiểu hoạt động hệ thống ở mức mã nguồn, cũng như tự do sử dụng, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ. Đây được đánh giá là bước đi đột phá trong tư duy làm ứng dụng phục vụ cộng đồng.
Được biết ngay trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển Bluezone đã có nhiều buổi làm việc với Google, Apple cũng như các nhóm phát triển ứng dụng tương tự trên thế giới như SafePaths của MIT (Mỹ) nhằm trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan. Không chỉ vậy, việc hoàn thiện Bluezone cũng là kết quả được đúc kết từ các phản biện, sử dụng thử của hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ.
Ngoài ra, ứng dụng cũng được đánh giá về độ an toàn bởi các cơ quan chức năng như: Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an).
Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về việc sử dụng ứng dụng truy vết để phát hiện, cảnh báo với những người có khả năng mắc bệnh và những người tiếp xúc với người mắc bệnh. Song hành với Bluezone, hàng loạt các quốc gia đã đưa những ứng dụng tương tự vào hoạt động nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh.
Có thể kể đến như TraceTogether của Ấn Độ với lượng người dùng lên tới 50 triệu, Covidsafe của Australia với hơn 3 triệu lượt tải hay ứng dụng truy vết ở Singapore có hơn 1 triệu người sử dụng... Không chỉ vậy, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Apple cũng đã tự đưa ra các công cụ để theo dõi Covid-19, các quốc gia chưa có ứng dụng riêng có thể dựa vào mã nguồn của những ứng dụng này để tùy biến theo nhu cầu của mình.